23. Hồng Ngạn phần 5
Từ khi vào căn cứ Hồng Ngạn, Diệp Văn Khiết đã không nghĩ đến việc
có thể ra khỏi đó, sau khi biết được mục đích thực sự của công trình Hồng
Ngạn (rất nhiều cán bộ trung, cao cấp trong căn cứ đều không biết thông tin
tuyệt mật này), cô cũng cắt đứt luôn cả liên hệ về mặt tinh thần với thế giới
bên ngoài, chỉ vùi đầu vào công việc. Từ đó trở đi, cô lại càng tiến sâu vào
nhóm nòng cốt kỹ thuật của hệ thống Hồng Ngạn, bắt đầu đảm nhiệm
những đề tài nghiên cứu tương đối quan trọng. Lôi Chí Thành vẫn luôn
canh cánh trong lòng đối với sự tín nhiệm mà Dương Vệ Ninh dành cho
Diệp Văn Khiết, nhưng anh ta vẫn rất sẵn lòng giao các đề tài nghiên cứu
quan trọng cho cô. Bởi với thân phận của Diệp Văn Khiết, cô sẽ không có
bất cứ quyền lợi nào đối với thành quả nghiên cứu của mình; mà trong căn
cứ, chỉ có Lôi Chí Thành là xuất thân từ chuyên ngành vật lý thiên văn, lại
còn là chính uỷ đi lên từ thành phần trí thức hiếm gặp thời bấy giờ; như vậy,
thành quả và các luận văn của Diệp Văn Khiết cuối cùng đều bị anh ta
chiếm đoạt, khiến anh ta trở thành điển hình vừa hồng vừa chuyên trong
những cán bộ công tác chính trị của quân đội.
Nguyên nhân ban đầu để Diệp Văn Khiết vào căn cứ Hồng Ngạn, là bài
báo khoa học muốn thử nghiệm xây dựng mô hình toán học của Mặt trời mà
cô đăng trên tạp chí Vật lý thiên văn hồi còn làm nghiên cứu sinh. Kỳ thực,
Mặt trời là một hệ thống vật lý còn đơn giản hơn Trái đất, chỉ do hai loại
nguyên tố rất đơn giản là hydro và heli tạo thành, quá trình vật lý của nó tuy
rằng rất dữ dội, nhưng lại hết sức đơn giản, chỉ là phản ứng nhiệt hạch của
hydro và heli, vì vậy, có khả năng xây dựng một mô hình toán học để miêu
tả một cách tương đối chuẩn xác về Mặt trời. Bài báo khoa học đó vốn là
một thứ rất lý thuyết, nhưng Dương Vệ Ninh và Lôi Chí Thành lại nhìn ra ở
đó hy vọng giải quyết được một vấn đề khó về mặt kỹ thuật của hệ thống
giám thính Hồng Ngạn.
Vấn đề nhiễu tín hiệu khi giao hội với Mặt trời luôn gây khó khăn cho
công tác giám thính của Hồng Ngạn. Danh từ này mượn từ thuật ngữ của