sáng nào như vậy, nhưng quả thực là đã thấy trường hợp những vật thể có
khối lượng lớn bị các lực tự nhiên gia tốc đến tốc độ cực cao, có một ngôi
sao từng bị lực hấp dẫn của đám sao kéo văng ra khỏi hệ Ngân Hà với tốc
độ cao, có học giả cho rằng, siêu lỗ đen ở trung tâm hệ Ngân Hà hoàn toàn
có khả năng gia tốc một vật thể có khối lượng thấp lên đến gần tốc độ ánh
sáng, có lẽ những vật thể có tốc độ ánh sáng này đã được sinh ra hàng loạt
ở trung tâm hệ Ngân Hà, chỉ là thể tích quá nhỏ nên khó lòng phát hiện
được mà thôi.
Điểm nghi vấn thứ hai: nỗi sợ hãi của thế giới Tam Thể đối với đe dọa
khu rừng đen tối. Cho đến nay, đây vẫn là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho
lý thuyết khu rừng đen tối, nhưng từ đó đến nay loài người vẫn không biết
được những chứng cứ và suy luận khác của bản thân thế giới Tam Thể về
lý thuyết này, vì vậy, xét trên phương diện khoa học cũng không thể nào coi
là chứng minh trực tiếp. Thế giới Tam Thể có thể vì một nguyên nhân nào
khác chưa rõ mà chấp nhận thế cân bằng dựa trên đe dọa khu rừng đen tối
với loài người, đồng thời cũng vì một nguyên nhân khác mà từ bỏ không
chiếm đóng Hệ Mặt trời nữa. Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân chưa
rõ này, tuy không giả thuyết nào có sức thuyết phục tuyệt đối, song cũng
đều không thể chứng minh là sai. Còn có học giả đưa ra một thuyết gọi là
“Hoang tưởng bị hại cấp vũ trụ”, cho rằng bản thân thế giới Tam Thể
cũng không có chứng cứ xác thực đối với lý thuyết khu rừng đen tối, chỉ vì
bọn họ đã sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt cực đoan suốt thời gian
dài đằng đẵng, nên nảy sinh chứng bệnh hoang tưởng bị hại tập thể trước
xã hội vũ trụ. Chứng hoang tưởng tập thể này gần giống như là tôn giáo
trên Trái đất thời Trung Cố vậy, được đại đa số người Tam Thể tin tưởng
và coi là sự thật.