Trong lịch sử Liên Hiệp Quốc ở giai đoạn đầu kỷ nguyên Khủng hoảng,
bà Say, Tổng thư ký thời bấy giờ là một nhân vật có vai trò then chốt. Bà
cho rằng đây là cơ hội tạo ra kỷ nguyên mới cho Liên Hiệp Quốc, và chủ
trương thay đổi tính chất của Liên Hiệp Quốc, để nó không chỉ là hội nghị
liên tịch của các siêu cường quốc và diễn dàn quốc tế nữa. Bà muốn biến
nó thành một thực thể chính trị độc lập, sở hữu quyền lãnh đạo thực chất
đối với việc xây dựng hệ thống phòng thủ Hệ Mặt trời. Muốn thực hiện
được mục tiêu này, Liên Hiệp Quốc trước tiên phải có cơ sở là tài nguyên
mà nó có thể tùy ý sử dụng, vào thời điểm đó, điều này gần như là bất khả
thi. Dự án Các Vì Sao chính là một trong những cố gắng của bà Say, dù kết
quả thế nào, chương trình này đã thể hiện trọn vẹn trí tuệ chính trị cũng
như trí tưởng tượng của người phụ nữ này.
Cơ sở pháp luật quốc tế của dự án Các Vì Sao là “Công ước Luật Vũ
trụ”, điều ước không phải là sản phẩm của khủng hoảng Tam Thể, mà
trước khi nguy cơ này xuất hiện đã trải qua quá trình khởi thảo và đàm
phán dài lâu, chủ yếu tham khảo từ “Công ước Luật Biển” và “Hiệp ước
Nam Cực”. Trước khi khủng hoảng Tam Thể xuất hiện, “Công ước Luật
Vũ trụ” chỉ giới hạn trong tài nguyên Hệ Mặt trời nằm bên trong vành đai
Kuiper. Do sự xuất hiện của khủng hoảng Tam Thể, người ta buộc phải tính
đến không gian vũ trụ bên ngoài vành đai Kuiper, nhưng do trình độ công
nghệ, nhân loại còn chưa thể đặt chân lên Sao Hỏa, trước khi Công ước
này hết hiệu lực (kỳ hạn năm mươi năm), tài nguyên bên ngoài Hệ Mặt trời
hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế gì cả. Các siêu cường quốc nhận ra
đấy là một tấm séc khống rất thích hợp cho Liên Hiệp Quốc, bèn thêm điều
khoản về tài nguyên bên ngoài Hệ Mặt trời vào bản công ước, quy định
việc khai thác phát triển và các hành vi kinh tế khác đối với tài nguyên
thiên nhiên bên ngoài vành đai Kuiper nhất thiết phải được thực hiện trong
khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. (Về ý nghĩa của từ “tài nguyên thiên nhiên”