Trên đường, mọi người đều im lặng suy nghĩ, thậm chí còn không
buồn trao đổi bằng ánh mắt.
Không cần phải nghĩ cũng biết xoáy nước khổng lồ ở Mosken ám chỉ
điều gì, đã quá rõ ràng rồi.
Vấn đề bây giờ là, giảm vận tốc ánh sáng thì liên quan gì đến lỗ đen?
Lỗ đen lại có liên quan gì đến tuyên bố an toàn với vũ trụ?
Bản thân lỗ đen không thể thay đổi vận tốc ánh sáng, chỉ có thể thay đổi
bước sóng ánh sáng.
Giả sử giảm được vận tốc ánh sáng xuống còn một phần mười, một
phần trăm của vận tốc ánh sáng trong chân không hiện nay, thậm chí là còn
một phần nghìn, 30.000 km/s, 3.000 km/s hay 300 km/s đi nữa, thì có liên
quan gì đến lỗ đen? Nhất thời không ai nhìn ra được.
Ở đây có một lằn ranh mà tư duy bình thường khó mà vượt qua được,
nhưng cũng không phải quá khó. Những người này dẫu sao cũng thuộc vào
nhóm có trí tuệ nhất của nhân loại, đặc biệt là Tào Bân. Là một nhà vật lý
đã sống qua ba thế kỷ, ông ta rất hay tư duy kiểu cực đoan thế này, vả lại
ông ta còn biết được một sự thực: Từ những năm Công nguyên, đã có một
nhóm nghiên cứu thí nghiệm giảm vận tốc ánh sáng bên trong môi chất
xuống còn 17 m/s, còn chậm hơn cả người đạp xe tốc độ nhanh. Đương
nhiên, điều này khác về bản chất với việc giảm vận tốc ánh sáng ở trong
môi trường chân không, nhưng ít nhất thì cũng khiến cho các giả thiết về
sau không còn có vẻ quá điên rồ nữa.
Giảm nữa, giảm vận tốc ánh sáng trong chân không xuống còn một
phần mười nghìn hiện tại, tức là 30 km/s, thì có liên quan gì đến lỗ đen?