không thể nào hoàn toàn đạt đến vận tốc ánh sáng, vận tốc của hạt ánh
sáng tuy đã tiệm cận vận tốc ánh sáng nhưng vẫn có sai số nhỏ, nên bức xạ
mà hạt ánh sáng phát ra vẫn nhanh hơn một chút, nếu khoảng cách bay đủ
dài, sai số này sẽ càng lúc càng lớn. Ngoài ra, quỹ đạo tấn công mục tiêu
của hạt ánh sáng cũng không phải là đường thẳng tuyệt đối. Do khối
lượng khổng lồ, nó không thể tránh khỏi tác động từ lực hấp dẫn của các
thiên thể khi bay qua, quỹ đạo sẽ bị bẻ cong đôi chút, nhiều hơn hẳn mức
độ tia sáng bình thường bị bẻ cong trong trường lực hấp dẫn tương
đương, khi tới gần mục tiêu sẽ phải điều chỉnh lại, khiến hạt ánh sáng phải
đi qua một quãng đường dài hơn bức xạ mà nó phát ra.
Do hai yếu tố trên, bức xạ mà hạt ánh sáng phát ra sẽ đến Hệ Mặt trời
trước bản thân hạt ánh sáng, thời gian chênh lệch này chính là thời gian
cảnh báo. Thời gian cảnh báo hai mươi tư tiếng đồng hồ được tính toán
dựa trên khoảng cách xa nhất mà loài người có thể quan trắc được bức xạ
của hạt ánh sáng hiện nay, trong trường hợp đó, bức xạ đi trước hạt ánh
sáng khoảng 180 đơn vị thiên văn.
Có điều, đây chỉ là trường hợp lý tưởng, nếu hạt ánh sáng được phóng
từ phi thuyền ở khoảng cách gần thì gần như không có cơ hội cảnh báo
trước, giống như số phận của thế giới Tam Thể vậy.
Hệ thống cảnh báo Hệ Mặt trời dự kiến sẽ xây dựng ba mươi lăm đơn
nguyên quan trắc, giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của bức xạ hạt ánh sáng
trong không gian từ tất cả các hướng.
***