những người khó chịu, xấu xí và trì độn. Khi ai đó làm ta phiền lòng,
phần đầu tiên trên cơ thể ta muốn thoát khỏi họ chính là đôi mắt.
Tôi nhận biết sâu sắc hiện tượng này trong các buổi diễn thuyết của
mình. Bất cứ khi nào tôi lan man quá dài dòng về một điểm cụ thể, khán
giả thường chúi mũi vào những ghi chép của họ. Việc xem xét lại lớp sơn
móng tay trở thành điều quan trọng hàng đầu với họ. Thậm chí một số
người còn ngủ gật. Và khi tôi trở lại với hướng trình bày, đôi mắt họ chợt
bừng lên như lũ bướm được trở lại với ánh nắng mặt trời sau mưa bão.
Có một nhân tố khác, gần như trái ngược làm ngăn trở việc giao tiếp
bằng mắt: sự xấu hổ. Khi ai đó càng tỏ ra lấn át chúng ta, ta càng muốn
né tránh ánh mắt họ. Những nhân viên cấp dưới thường né tránh ánh mắt
khi đứng trước vị sếp lớn. Và nếu chúng ta gặp ai đó đẹp trai quá mức,
xinh xắn và hoàn thiện, chúng ta cũng có xu hướng tỏ ra tương tự.
Trong các hội thảo của mình, tôi cố gắng giao tiếp bằng mắt với mọi
người đang lắng nghe. Nhưng nếu có ai đó đẹp trai một cách đặc biệt
giữa vô số những gương mặt bình bình đó, tôi thường thấy mình né tránh
ánh mắt của anh ta. Tôi nhìn vào mắt của tất cả mọi người, trừ anh ta.
Khi nhận ra sự lảng tránh đó của mình, tôi đã dũng cảm buộc bản thân
mình phải nhìn thẳng vào đôi mắt của người đàn ông rất đẹp trai ấy. Và
trời ơi, con tim tôi đã loạn nhịp. Đôi khi tôi quên luôn cả ý nghĩ của
mình. Tôi lắp bắp.
Kiểu giao tiếp bằng mắt này quả là lợi hại.
Giao tiếp bằng mắt bao lâu để “thuần hóa” được tình yêu?
Một nhà khoa học người Anh đã khẳng định rằng, nhìn chung, khi trò
chuyện, người ta chỉ nhìn nhau khoảng từ 30 đến 60% thời gian của cuộc
trò chuyện. Khoảng đó không đủ để khởi động các cỗ máy tình yêu ngay
từ cái nhìn đầu tiên.