Sách lại lợi dụng con trai của Lưu Diêu là Lưu Cơ, lấy mất không ít
binh tướng, khiến cho Nghiêm Tượng trở thành một Thứ sử bù nhìn,
không có thực quyền. Ông ta thân ở Dương Châu nhưng chẳng làm
được việc gì, chỉ có thể gió chiều nào che chiều ấy giữa hai thế lực
Tôn, Tào. Do vậy khi nhận được mệnh lệnh của triều đình điều đến Lư
Giang, ông ta thở phào một tiếng, nghĩ rằng không còn phải chịu ấm ức
nữa, đâu biết bản thân đã bước lên con đường không có ngả quay về.
Tên thổ bá vương Lý Thuật chẳng những không quỵ lụy họ Tôn mà
cũng không coi Tào Tháo ra gì, đã sai quân chặn giết Nghiêm Tượng ở
ngang đường.
Sự việc này khiến cả thiên hạ phải xôn xao. Từ khi triều đình Hứa
Đô được dựng lên đến nay, tuy đã gặp không ít kháng cự, nhưng chưa
từng có ai dám công nhiên sát hại mệnh quan triều đình phái đi. Tào
Tháo và Tuân Úc tất nhiên không thể tha cho tên hung thủ Lý Thuật,
càng không thể bỏ qua địa bàn Lư Giang, nhưng trong lúc họ thư từ bàn
bạc với nhau, đã có người ra tay trước - đó là Tôn Quyền, kẻ mới mười
tám tuổi, vừa kế thừa cơ nghiệp Giang Đông.
Tôn Quyền dâng biểu lên triều đình, lấy cớ “Lý Thuật hung ác,
khinh phạm luật lệ nhà Hán, tàn hại quan lại ở châu, hoành hành vô
đạo, phải nhanh chóng diệt trừ để răn đe kẻ xấu. Nay muốn được thảo
phạt, trước là để quét sạch kình ngạc cho triều đình, sau là để báo phục
oán cừu cho các tướng. Đó là đại nghĩa của thiên hạ, là tâm nguyện từ
trước nay.” Ngoài mặt thì ra vẻ sẵn lòng nghe theo mệnh lệnh, nhưng
thực tế thì không đợi Tào Tháo trả lời đã đưa quân lên phía bắc, sấm nổ
chớp giật đoạt lấy Lư Giang, tiêu diệt Lý Thuật.
Lần đầu tiên Tôn Quyền thi triển thân thủ mà đã gọn gàng sắc bén
như vậy, chẳng khác nào muốn tuyên cáo với thiên hạ, sự nghiệp tranh
đoạt thiên hạ của Tôn gia vẫn được kế tục! Tuân Úc nghe tin kinh hãi
mãi, nhận thấy rằng triều đình phải có một sự dứt khoát với họ Tôn,
nhược bằng luôn có một con hổ rình sau lưng mình, chắc chắn ảnh
hưởng đến chiến cục thống nhất phương bắc. Phải nghĩ cách để đè nén
thế phục hưng của họ Tôn...