72
Tạp chí
Kinh tế - Kỹ thuật
này có thể tồn tại và phát triển được. Với bài nghiên cứu này, tác giả sẽ tiến hành khảo sát các doanh
nghiệp khởi nghiệp ngành bất động sản để nhận định được vai trò của việc tiếp cận vốn cũng như
những khó khăn đang gặp phải của các doanh nghiệp này.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Mô hình nghiên cứu
2.1.1. Xây dựng mô hình nghiên cứu
Hiện nay, có khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm về khả năng tiếp cận vốn cũng như tác động
của khả năng tiếp cận vốn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên lại rất
ít nghiên cứu tiến hành xem xét dưới khía cạnh khảo sát quan điểm của những người am hiểu về
hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Có thể kể đến các nghiệp cứu như: tại Malaysia,
Hamid & các cộng sự (2015) đã khẳng định vai trò của khả năng tiếp cận vốn và cho rằng tỷ lệ nợ
có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của 92 doanh nghiệp ở nước này trong giai đoạn
2009-2011. Cũng trong năm 2015, Xu & Banchuenvijit (2015) đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu
của 28 doanh nghiệp (không bao gồm các doanh nghiệp tài chính) niêm yết trên SSE 50 trong giai
đoạn 2008-2012, kết quả nghiên cứu cho rằng tỷ lệ nợ vay và quy mô doanh nghiệp tác động đến
hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mumtaz & các cộng sự (2013) đã nghiên cứu
hiệu quả hoạt động kinh doanh của 83 doanh nghiệp tại Pakistan trong giai đoạn 2006-2009, kết
quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố thuộc đặc điểm của doanh nghiệp như khả năng tiếp cận vốn
và quy mô doanh nghiệp có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong một nghiên cứu
khác, Kouser (2012) khi nghiên cứu dữ liệu của 70 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn
giao dịch chứng khoán Karachi của Pakistan trong giao đoạn 2001-2010 đã cho rằng hiệu quả hoạt
động kinh doanh bị tác động bởi các yếu tố phản ánh đặc điểm của doanh nghiệp như quy mô doanh
nghiệp. Ngoài ra, Safarova (2010) đã thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt
động kinh doanh của 76 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán New Zealand giai
đoạn 1996-2007 đã cho rằng khả năng tiếp cận vốn có tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh
nghiệp. Tại Việt Nam, Bùi Ngọc Toản (2016) đã cho rằng chính sách vốn lưu động, vấn đề vay nợ,
quy mô doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của 35
doanh nghiệp ngành bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn
2010-2014. Trước đó, Đoàn Ngọc Phúc (2014) đã nghiên cứu hiệu quả hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp sau cổ phần hóa, với dữ liệu gồm 217 doanh nghiệp niêm yết trên 02 sở giao dịch
chứng khoán thành phố Hố Chí Minh và Hà Nội giai đoạn 2007-2012, kết quả nghiên cứu cho thấy
việc vay nợ và quy mô doanh nghiệp có tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong một
nghiên cứu khác, Phan Thị Minh Lý (2011) đã khảo sát 112 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn
tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm xác định và lượng hóa tác động của các yếu tố đến hiệu quả hoạt động
kinh doanh của các doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu cho thấy có bốn yếu tố ảnh hưởng đến hiệu
quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gồm: yếu tố về vốn, yếu tố thuộc đặc điểm của doanh
nghiệp, chính sách của địa phương, chính sách vĩ mô.
Kết quả của các bài nghiên cứu trước cho thấy, khả năng tiếp cận vốn có vai trò rất quan trọng
đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ như doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị tác động bởi một số yếu tố khác như đặc
điểm của doanh nghiệp, chính sách của địa phương và chính sách vĩ mô. Dựa trên cơ sở này, tác
giả sẽ tiến hành xây dựng mô hình nghiên cứu, đồng thời bài nghiên cứu cũng tiến hành điều chỉnh
và bổ sung thêm một số biến quan sát để phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp khởi nghiệp
của ngành bất động sản, điều này cũng được kỳ vọng sẽ tạo tính mới cho bài nghiên cứu so với các
nghiên cứu trước đây.