Một người trẻ tuổi đứng lên nói:
- Thưa các cụ trăm điều chẳng qua chỉ tại tác giả cái bài hát nói ấy.
Ông khách âu phục trẻ tuổi từ nãy ngồi lặng im vừa thẹn vừa kiêu
ngạo về cái bài văn của mình, đương lắng tai nghe xem có ai thì thào chỉ
trích gì không, bấy giờ đành phải đứng lên, đón đỡ:
- Bẩm các cụ, chúng tôi không ngờ rằng cụ Bố tôi đây ngài lại hiểu bài
văn ấy một cách kỹ đến thế để mà đem lý thuyết thực hành ngay như thế.
Quan Bố cười khà khà, lên râu bảo thiếu niên:
- Thế thì đôi ta tri kỷ lắm chứ còn gì nữa! à quên, xin các cụ thưởng
một cốc cho tác giả bài văn hữu tình. Chị áo đỏ đâu, chị lại mời ông ấy cho
tôi một cốc nữa.
Lại vỗ tay...
Nhưng chợt một ông khác, cũng trẻ tuổi, mặt đỏ nhất tất cả, đứng lên
trịnh trọng nói:
- Bẩm trên các cụ, dưới các ông...
Mọi người giật mình lắng tai nghe biết là sắp có chuyện. Ông kia tiếp:
- Quan Bố chánh thưởng tác giả bài hát nói ấy cốc rượu là vì nó có
tính cách hữu tình. Tôi cũng xin hoan nghênh. Nhưng mà xong rồi thì tôi
xin các cụ và các ông cho tôi phạt nhà thi sĩ ấy ba chén vì đó là một nhà thi
sĩ tham lam! Vì sao? Vì cụ phán nhà tôi đây bữa nay chỉ có khánh thành
nhà mới thôi, vậy mà bài hát mừng có câu mừng cả tiệc thượng thọ nữa,
thì, cái lối "tiện dịp" như thế là có hại cho tôi, vì sang năm đúng sáu mươi
mà cụ phán tôi không khao thượng thọ nữa thì là lỗi ở nhà thi sĩ ấy. Vậy thì
phải phạt.
Tác giả bài hát nhìn quanh một lượt thấy trong dăm chục quan khách
có một số đông gật gù biểu đồng tình với ông phản đối kia, thì rất lấy làm
lo, bèn cãi:
- Tôi xin uống ba chén rượu ông phạt! Nhưng nếu sang năm cụ Phán
tôi lại khao thượng thọ nữa, thì ông sẽ đáp tôi ra sao? Và có lẽ ông chưa
nghe kỹ bài hát!
Ông kia gân cổ lên, hùng hồn chẳng kém: