Cam ở tỉnh Battambang mỗi trái vốn 4 đồng ria (trong năm 1967), tiền
chở hai chặng : xe lửa xuống Nam Vang, xe hơi xuống chợ Trời, mỗi xe
cam nhông cộng với thuế là 30.000 ria, chưa kể tiền hối lộ dọc đường từ
chợ Svay Riêng đến biên giới. Mặc dầu chính phủ Cao Miên cho phép bán
thổ sản một cách không chánh thức ra nước ngoài với một số thuế quan,
nhưng dưới mắt các quan ở những trạm kiểm soát thì món hàng nào chở ra
chợ Trời cũng đều là hàng lậu tuốt luốt ! Người bán phải « biết điều » nếu
không thì đừng mong yên ổn làm ăn ! Đó là « luật lệ mồm » bất di bất dịch
của quý quan.
Xe lam ngừng ngoài quốc lộ, chủ mướn xe đạp chở từng bao vào chợ
giao cho người chủ vựa bán lại bạn hàng ăn tiền hoa hồng gọi là tiền ngọn.
Giá cam tính theo thị trường Sài Gòn chớ người bán không thể ấn định, vì
bạn hàng tính bán lại có lời mới mua, mắc quá họ không nhận thì người bán
đem đi đâu ? Chở về nhà ư ? Giá sỉ một trái cam tại chợ Trời là 12 đồng về
chợ Gò Dầu Hạ 13 đồng, Sài Gòn 20 đồng, bán lẻ ở chợ Bến Thành 24
đồng vậy mà tính ra người bán cam lỗ vài chục ngàn một xe, nguyên do vì
giá cam ở Sài Gòn không thể bán cao hơn nữa vì tiền Việt Nam sụt giá so
với tiền Miên : 100 ria đổi 296 đồng ! Vốn 1 trái cam ở Battambang 4 ria là
12 đồng rồi mà chỉ bán lại 12 đồng thì lỗ sở phí ! Người bán đâu có lấy tiền
được ngay vì chủ vựa bán chịu cho bạn hàng, bạn hàng chở xuống Sài Gòn
bán cho nhà vựa phải chờ gom tiền đem trở lên trang trải có khi nửa tháng,
20 ngày mới xong một chuyến. Trong khi ấy, người bán chở xe khác đến
mong gỡ xe trước, hoặc chịu lỗ thêm. Cứ thế, tấn tuồng tái diễn hoài hoài,
người bán bám vào 1 điểm hi vọng, tuông tiền túi ra tiếp tục gánh sự thất
bại như con bạc lỡ thua phải đánh bạc để gỡ ! Một thiếu phụ Việt Kiều
chuyên bán hàng Nam Vang ở chợ trời đã đút đầu vào thòng lọng vì quá lỗ
sau khi bán 10 xe cam. May có người cứu kịp, bây giờ mới còn sống bán
khô cá lóc để kiếm chác lại phần nào.
Đó là một vụ điển hình sự lỗ lã và còn nhiều vụ khác nữa.
j) Ngày tết ở chợ Trời