Đến năm 1872 (đã thuộc Pháp rồi) hương chủ Đặng Văn Quờn, hương
sư Trịnh Văn Thiện làm đơn xin với quan chủ tỉnh cho phép làng An Tịnh
tách ra lập thêm một làng nữa là làng An Hòa, gồm có Lò Mo và Tha La.
Ranh giới làng Bình Tịnh ban sơ rất rộng, phía Bắc giáp với làng
Thanh Phước, phía Đông tỉnh Bình Dương, phía Tây chỉ sông Vàm cỏ
Đông.
Sau khi tách ra hai làng Gia Lộc và An Hòa, làng An Tịnh chỉ còn
diện tích 3.492 mẫu tây, theo địa đồ lập năm 1894 do viên chức kinh lý
Pháp đạt điền.
Trong làng An Tịnh có một cái đình xưa đã được sửa chữa, xây cất lại
nhiều lần vẫn tại một địa điểm trước ở ấp An Thành.
Năm Tự Đức thứ năm (Tân Hợi 1852) ngày 20-11 âm lịch, đình An
Tịnh được nhà vua phong một bổn sắc Thành Hoàng Bổn Cảnh ngự tặng là
Quảng Hậu Chánh Trực đôn ngưng chi thần.
Vì làng ngày xưa chánh gốc trong vùng Trảng Bàng nên làng An Tịnh
là làng duy nhất có sắc thần của nhà vua phong tặng. Dân số làng An Tịnh
rất sung túc.
Người ta bảo đây là một làng có vương khí phát quan như làng Thanh
Phước ở Gò Dầu nên tương đối nhiều người đỗ đạt so với các làng khác
trong tỉnh Tây Ninh.
CÁC NGÔI MIẾU THỜ QUAN LỚN TRÀ VÔNG (HUỲNH CÔNG
GIẢN)
Nói đến vị anh hùng ở đất Tây Ninh đánh Miên ngày xưa, ai ai cũng
biết đó là Quan Lớn Trà Vông (Huỳnh Công Giản).
Có nhiều ngôi Miếu do nhân dân trong tỉnh dựng lên để thờ Ngài.
Một ngôi tại ấp Thái Vĩnh Đông, xã Thái Hiệp Thạnh tại Châu Thành
Tây Ninh.