Ngày xưa không có xe lam, xe cyclo, xe máy đạp như ngày nay, xe
đạp còn chưa có hay có rất ít, chớ đừng nói chi xe gắn máy như bây giờ.
Học trò đi bộ rất xa xôi, 5km, 6km tùy nhà ở xa hay gần trường.
Buổi trưa, họ vẫn ở lại trường, đỡ lòng bằng mo cơm đem theo, xong,
uống nước lã và nằm nghỉ trên băng học trò, để chiều còn học lại. Đến tan
giờ học chiều đi bộ về nhà.
Ngày xưa đi học cam go như thế. Đó cũng là một sự luyện chí kiên
nhẫn vậy.
Trước thời tiền chiến, hương chức các làng ở quận Trảng Bàng, đều do
nơi trường cao đẳng đào tạo. Vị giáo viên đầu tiên có uy tín và đức độ dạy
trường này lâu hơn hết cho đến ngày hưu trí, đó là ông Dương Văn Ý. Hiện
nay ông còn người con là ông Dương Văn Nhàn, đốc sự hành chánh làm ở
tối cao Pháp Viện. Nhắc đến trường cao đẳng ai nấy đều cảm mến vị giáo
viên tiền bối đã dày công tận tụy dạy dỗ các môn đệ quận nầy, tạo cho họ
hấp thụ nền giáo dục tốt đẹp nên danh phận với đời.
Trường cao đẳng ngày xưa cảnh trí rất đẹp, trước sân có trồng những
loại kiểng, ngâu, lài, cao bụng, sứ cùi, cảnh nầy không khác nào một huê
viên công cộng như Sở Thú Sài Gòn để mọi người thưởng lãm. Thời gian
qua vật đổi sao dời, khiến cho vườn đẹp trước kia, ngày nay xơ xác không
còn nguyên vẹn như thuở nào, thật đáng tiếc.
SỰ TÍCH LÀNG AN TỊNH : MỘT TRONG NHỮNG LÀNG XƯA
NHẤT CỦA TÂY NINH TRẢI BAO CUỘC THĂNG TRẦM
Làng An Tịnh trong quận Trảng Bàng tỉnh Hậu Nghĩa là làng chánh
gốc thành lập trước nhất trong vùng từ đầu thế kỷ thứ 19.
Ngày xưa, làng An Tịnh thuộc tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng,
tỉnh Tây Ninh.
Dưới triều vua Gia Long năm thứ 8 (năm Kỷ Tỵ 1809) làng An Tịnh
được đặt hiệu là Bình Tịnh thôn, thuộc Bình Cách tổng, Thuận An huyện,