Sự việc ông Đá nứt hai đó, được lưu truyền hơn một trăm năm qua
trong nhân gian, nhứt là trong khắp địa phương Tây Ninh.
SỰ TÍCH TRƯỜNG CAO CẲNG
Ở Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) có một trường học gọi là trường Cao
Cẳng.
Thật vậy, nó có một cái cẳng thật cao.
Cái cẳng đó là một cái nền xây bằng đá xanh cao lối 2m. Trường ở sau
dinh quận.
Trước kia, đó là đồn lính của Pháp lúc Pháp chiếm xứ này. Nó nằm
trong một châu vi rộng lớn lối 5 mẫu đất.
Đồn không có cửa, xây đá rất chắc. Đó là một cái lô cốt có nhiều lỗ
châu mai để lính núp phòng thủ. Khi có địch đến thì lính núp phía trong và
bắn ra do các lỗ châu mai.
Chung quanh có nhiều cây to bóng mát, cây gõ, cây dầu, cây giò heo,
cây dên dên v.v… Cây rất to và cao nên chim, cò, diệc làm tổ trên đó rất
nhiều và kêu la suốt ngày như ở giữa rừng.
Đặc biệt là có cây chà là, cây kè, thốt nốt rất nhiều, lưu lại di tích của
người Miên thuở trước.
Sau cái lô cốt được sửa thành trường học.
Vì đây là trường học đầu tiên và duy nhất của quận, nên học sinh các
trường phụ cận như : An Tịnh, Suối Sâu, Suối Cụt, Lộc Hưng, Đôn Thuận,
An Hòa, Lộc Giang, Phước Chỉ, Gia Bình v.v… đều đến học nơi trường
Cao Cẳng này.
Hình ảnh của người học trò ấy có phong thái đặc biệt, vai mang một
mo cơm, tay ôm một cặp làm bằng giấy bồi có trét dầu ráy đỏ tránh mưa,
chân đi đất (không guốc, dép) từ 5 giờ khuya tờ mờ sáng đã lên đường.