Nguyễn Phúc Dương, đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan, thì lo gì thiên
hạ không theo. Ấy là ta lại giành thêm được nhân hòa. Rồi cứ theo cách
dụng binh của Nguyễn Huệ mà làm, chiếm lấy phủ Quy Nhơn núi non hiểm
trở đất rộng dân đông ấy là ta chiếm thêm phần địa lợi. Thiên thời, địa lợi,
nhân hòa đều có đủ, nghiệp ắt phải thành không nghi ngờ gì nữa!
Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:
- Quân sư liệu việc như thần. Vậy việc soạn hịch ngoài quân sư ra còn ai
làm nổi. Đoạn quay sang các tướng: Các tướng nghe lệnh. Ngô Văn Sở,
Phan Văn Lân, lãnh một ngàn quân đánh chiếm đèo Cù Mông. Vũ Văn
Nhậm, Vũ Văn Dũng lãnh ba ngàn quân đánh chiếm hai huyện Phù Ly,
Bồng Sơn, rồi đánh lấy núi Thạch Tân. Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn
Tuyết đem hai ngàn quân đánh thủy trại của địch ở cửa Giã. Rồi chia quân
đóng đồn ở ba núi Nhạn Châu Lãnh, Phương Mai sơn và núi Sơn Chà. Các
ngươi hãy thường cho thám mã báo cáo việc quân. Ta cùng Nguyễn Lữ, Võ
Đình Tú và quân sư lãnh đại quân trong thành sẽ tùy tình hình mà chia
quân tiếp ứng.
Nguyễn Văn Tuyết bước ra nói:
- Tâu trại chủ, đây chính là lúc quân ta đã công khai đối địch với đại binh
của chúa Nguyễn triều. Tôi thấy tướng quân Nguyễn Huệ tuy còn nhỏ tuổi
mà trí dũng song toàn. Nếu trại chủ cho cầm quân Bắc tiến thì các tướng
đều phục, ba quân vững dạ, trên dưới một lòng thì mới mong dễ dàng toàn
thắng.
Nguyễn Nhạc lắc đầu đáp:
- Ta không để Nguyễn Huệ cầm quân Bắc tiến vì hai lẽ. Một là quân thắng
địch cốt ở chỗ tinh nhuệ, thiện chiến. Lúc còn ở Tây Sơn Thượng nhờ
Nguyễn Huệ thao luyện binh sĩ thiện chiến nên quân ta đánh đâu thắng đó.
Nay tân binh đầu quân mỗi lúc một đông, phải cần người huấn luyện tinh
tường rồi mới đưa ra sa trường diệt giặc. Ấy chẳng phải là nguồn gốc của
câu binh pháp “quân cốt giỏi chớ chẳng cốt nhiều” đó sao? Vả lại Nguyễn
Khắc Tuyên bỏ thành Quy Nhơn mà chạy ra hai huyện Phù Ly và Bồng
Sơn, quan quân ở hai huyện ấy đã kinh tâm tán đởm. Nay Dũng và Nhậm
kéo quân ra chỉ một hồi trống cũng có thể đuổi chúng chạy ra đến phủ