là một giai đoạn sùng đạo, an bình. Nhưng khi dòng Francisco phát triển và
thu hút được những tu sĩ tốt nhất, nó trở nên quá mạnh và quá gắn bó với
thế sự. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco mong muốn khôi phục lại sự
thanh khiết ban đầu của dòng tu của mình – một công việc rất khó khăn –
vì vào thời tôi ở tu viện, dòng tu đã có đến ba mươi nghìn môn đồ ở rải rác
khắp thế giới. Các tu sĩ này chống lại những Điều lệ do dòng tự đặt ra, và
bảo rằng hiện nay dòng tu lại mang những tính chất của các dòng mà nó đã
cải tạo trước đây. Việc này đã xảy ra ngay vào thời Thánh Francis vẫn còn
sống, và người ta đã phản bội lời dạy cùng mục tiêu của Người. Nhiều
người tái phát hiện một quyển sách do một tu sĩ dòng Cistercian tên là
Joachim, viết vào hồi đầu thế kỷ XII, người được xem như có tài tiên tri.
Cha đã tiên đoán một thời đại mới sắp đến, khi đó tinh thần của Chúa Kitô,
hằng bao lâu nay bị tha hóa bởi hành động của các tông đồ giả dối, sẽ được
hồi phục lại trên thế gian. Và cha đã tuyên bố về những sự kiện tương lai
bằng một cách, dù vô hình, khiến mọi người hiểu rằng ông đang nói đến
dòng Francisco. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco vô cùng hân hoan,
thậm chí dường như quá hân hoan nữa, vì vào khoảng giữa thế kỷ đó, các
tiến sĩ Sorbonne rất lên án sự giáo huấn của Cha Bề trên Joachim. Họ đang
trở nên những học giả quá uyên thâm, quá uy lực, tại Đại học Paris, và
những tiến sĩ Sorbonne đó muốn trừ khử họ đi như những kẻ theo tà giáo.
May thay, âm mưu đó không thực hiện được.
Trong ba mươi năm cuối cùng của thế kỷ trước, Hội đồng Thành phố Lyon
đã cứu dòng Francisco thoát khỏi tay những kẻ muốn thủ tiêu nó, và cho
phép dòng được sở hữu tất cả tài sản đang sử dụng. Đó là luật áp dụng đối
với các dòng tu cũ. Nhưng vài tu sĩ ở Marches đã nổi loạn phản đối vì họ
tin rằng tinh thần của giáo luật đã bị phản bội, vì tu sĩ dòng Francisco
không được sở hữu một vật gì cả, dù là cho cá nhân, cho tu viện, hay cho
dòng tu đi nữa. Những kẻ nổi loạn này đã bị tù chung thân.
Nhiều năm sau đó, Cha Bề trên mới là Raymond Gaufredi đã đến gặp các
tù nhân này ở Ancana và phóng thích họ.
Trong số những tù nhân được phóng thích này có một người tên là Angelus
Clarenus, sau đó đã đến gặp Pierre Olieu, một tu sĩ quê ở Provence, người