Hy Lạp đã sáng tạo ra được một nền nghệ thuật làm chúng ta hết sức ngạc
nhiên và khâm phục, một nền nghệ thuật mà như lời F. Engels nói khi đánh
giá nền văn minh cổ đại Hy Lạp: “Những hình thức huy hoàng của nó đã làm
tiêu tan những bóng ma của thời Trung cổ”
. Thời Trung cổ đã chẳng tiếp
thu được những di sản văn hóa, những bài học và những kinh nghiệm của
nền văn minh cổ đại. Giáo Hội Thiên Chúa giáo và chính quyền phong kiến
thực hiện một nền chuyên chính tàn khốc nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử
để duy trì và bảo vệ vị trí độc tôn của hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần
học là thống soái. Chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, chủ nghĩa ngu
dân tôn giáo, chủ nghĩa sùng bái, nịnh bợ giáo hoàng và giới tăng lữ ngu dốt,
đạo đức giả đã thẳng tay đàn áp mọi xu hướng tự do tư tưởng, bóp chết óc
suy xét, tinh thần phê phán, sáng tạo. Số phận của nền văn minh xã hội bị
giao phó vào tay những vị vua như vua Midas có đôi tai lừa, cho nên xã hội
Trung cổ là một xã hội bảo thủ, ngưng đọng, trì trệ. F. Engels đã gọi một
nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến và hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo ở
Tây Âu là “giấc ngủ mùa đông lâu đài”. Trong xã hội đó chỉ tồn tại chủ yếu
có nền văn minh chính thống của giáo hội truyền dạy cho con người chủ
nghĩa bi quan, chủ nghĩa định mệnh tôn giáo, thói nhẫn nhục, khuất phục.
Nghệ thuật Trung cổ, trong một mức độ lớn, chỉ là sự minh họa cho tư tưởng
Thiên Chúa giáo. Thần thoại Thiên Chúa giáo nằm trong lĩnh vực thiêng
liêng của sự thờ cúng... Đó là bài học lịch sử của nhân loại và cũng là bài
học về giá trị của nền văn minh cổ đại: Chính vì lẽ đó mà chúng ta có thể
hiểu được sâu sắc hơn câu nói đầy ý nghĩa sau đây của Gogol: “Hãy mang
theo tất cả những cảm xúc của tâm hồn nhân loại. Đừng bỏ nó ở dọc đường
rồi sau đó lại nhặt lên”.