yêu được âm nhạc làm cho thêm ý nghĩa, thêm sức mạnh, thêm nghị lực. Vì
tình yêu và bằng tài năng âm nhạc, Orphée, người ca sĩ danh tiếng của những
người trần thế đã thức tỉnh được lòng nhân ái của thế giới âm phủ và vị vua
của thế giới ấy để xin lại cuộc sống cho người vợ hiền thảo của mình. Tiếc
thay, chàng Orphée tài năng và đáng yêu của chúng ta lại vi phạm vào điều
ngăn cấm của thần Hadès! Nhưng làm thế nào được! Âm nhạc và tình yêu
cuộc sống là một chuyện, còn quy luật của cuộc sống lại là một chuyện khác.
Nhưng chỉ như thế thôi cũng đủ cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu
cuộc sống và âm nhạc như thế nào rồi. Orphée là người nghệ sĩ chân chính
của âm nhạc chân chính: âm nhạc từ trái tim thiết tha yêu cuộc sống (như là
sự đối lập với cái chết), từ trái tim thiết tha muốn làm cho cuộc sống thi vị,
cao thượng, đẹp đẽ hơn lên. Rất có thể có một dạng chuyện khác mà chi tiết
Orphée bị những Bacchantes giết chết phản ánh sự cạnh tranh giữa hai tín
ngưỡng Apollon và Dionysos. Nhưng trong “cơ chế” của câu chuyện này,
hành động của những Bacchantes, Ménades giết chết người ca sĩ danh tiếng
mang một ý nghĩa phê phán sâu sắc, một ý nghĩa ngụ ngôn sâu sắc: sự thô
bạo, sự tầm thường, sự phàm tục, tóm lại là những tình cảm thấp hèn đã giết
chết âm nhạc. Chẳng ai coi những hành động của những Bacchantes,
Ménades xúc phạm thô bỉ đến Orphée và giết chết Orphée một cách dã man,
tàn bạo như một chiến thắng vẻ vang của tôn giáo Dionysos. Thật vậy, âm
nhạc, và suy rộng ra, nghệ thuật, vốn không thể dung hòa được với thói thô
bạo, tầm thường, phàm tục. Một câu chuyện chứa đựng những ý nghĩa nhân
văn sâu sắc như thế hoàn toàn có thể cho phép chúng ta xác định nó là sản
phẩm của thời kỳ cổ điển, hơn nữa là một thành tựu xuất sắc của thời kỳ cổ
điển, và đúng là chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp đã trải thảm đỏ để mời
thần thoại bước vào thời kỳ cổ điển của mình. Thần thoại đã được văn minh
hóa để trở thành một công cụ, một vũ khí phục vụ cho nền văn minh của chế
độ chiếm hữu nô lệ. Qua chuyện vua Midas có đôi tai lừa và truyện Orphée,
chúng ta thấy được trình độ nhận thức thẩm mỹ của con người cổ đại đã phát
triển. Truyện Midas chỉ ra sự ngu dốt có khả năng, đúng là mới chỉ có khả
năng, làm hại nghệ thuật, giết chết nhân tài. Còn truyện Orphée thì đã chỉ rõ
ra, sự thô bạo, thói tầm thường, phàm tục, những tình cảm thấp hèn đã giết
chết tươi âm nhạc, nghệ thuật. Truyện Midas với âm điệu hài hước, châm
biếm sâu cay. Truyện Orphée với âm điệu thơ mộng, lãng mạn, cảm động,
xót xa.
Những truyện nói trên, hơn bất cứ chuyện nào khác, ra đời với dụng
ý ngụ ngôn như là những bài học, những kinh nghiệm của người cổ đại Hy
Lạp trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn minh. Chính một phần nhờ
vào những bài học và kinh nghiệm này (phần lớn nhờ vào cơ chế tổ chức
cộng hòa dân chủ của Nhà nước chiếm hữu nô lệ - polis) mà những người