cả. Lũ Gigantos rơi từ trên cao xuống. Cùng lúc đó Zeus và các vị thần giáng
sấm sét, phóng lao, ném đá, tung lửa ra đánh tới tấp xuống bọn chúng.
Héraclès với cây cung thần của mình bắn cho chúng những trận mưa tên đau
buốt. Lũ Gigantos, kẻ chết, đứa bị thương, bọn sống sót bỏ chạy tán loạn.
Dấu vết các trận đánh và cuộc tháo chạy hoảng loạn của chúng còn in lại ở
những vùng đất quanh Địa Trung Hải. Sườn núi lửa Etna còn in dấu chân
của tên Gigantos Encelade. Có người bảo tên này bị đánh chết ở đảo Sicile.
Có người nói hắn bị Zeus bắt sống và đày xuống địa ngục Tartare. Những
dãy núi đá ở vùng Thrace trong bán đảo Pallene ở Hy Lạp, ở vùng Solfatare
de Pouzzoles ở Ý đã bị lửa của cuộc giao chiến đốt cháy đến cằn cỗi.
Chuyện về cuộc giao tranh với các quỷ thần Gigantos thật ra còn dài
lắm. Nào Héraclès và nữ thần Athéna đã đánh bại tên Alcyonée ra sao, nào
cuộc giao đấu giữa Héraclès, Héra với tên Porphyrion sau được Zeus đến
giúp sức, quật ngã địch thủ như thế nào, rồi thần Apollon hạ Éphialtès,
Dionysos đánh bại Eurytos... nhiều chuyện lắm, thật không thể nào kể hết
được. Tuy nhiên ta không thể bỏ qua một vị thần đã có những đóng góp hết
sức quan trọng cho chiến thắng của Zeus. Đó là Titan Prométhée, vị thần đã
từ bỏ hàng ngũ các vị thần già, đứng về phe các vị thần trẻ mà Zeus là người
cầm đầu.
Như vậy các vị thần Olympe đã một lần nữa, lần thứ hai chiến thắng
các thế lực cũ.
Trong thần thoại Ấn Độ, cuộc giao tranh giữa thần Indra với Vritra,
một cuộc giao tranh vô cùng khốc liệt, kết thúc bằng chiến thắng của Indra
đã mở đầu cho sự sáng tạo ra thế gian. Nhờ Indra chiến thắng Vritra, giải
thoát cho Nước Vũ trụ, Người Mẹ thần linh, nên Nước Vũ trụ mới sinh ra
được Mặt trời. Có Đất, có Trời, có Không trung lại có Nước và Hơi ẩm của
Nước, có Mặt trời, Ánh sáng và Khí nóng của Mặt trời nên mới có thế gian,
thần thánh và loài người cũng như các loài vật khác.