diện đi mời sứ giả nước Kim đến viếng đoàn trại mình. Sứ giả Kim ngoài
nhiệm vụ chính còn có nhiệm vụ dò xét tình hình các bộ lạc ở miền Bắc,
cho nên họ sẵn sàng tạt qua miền Onon tìm hiểu thử coi Khả hãn mới của
Mông Cổ đang toan tính những gì.
Cuộc gặp gỡ đã tạo cho hai bên một mối thiện cảm. Thiết mộc Chân đón
tiếp sứ giả Kim một cách chu đáo, đúng lễ nghi nhờ ý kiến và cách xếp đặt
của Bật Tê, vốn là dân láng giềng của nước Kim. Sứ giả Kim rất hài lòng,
tỏ ra tin tưởng ở Thiết mộc Chân. Họ cho biết một bộ tộc lớn của Thát Đát
mới đây – thêm một lần nữa, xâm nhập vào biên cảnh nước Kim cướp phá.
Cho nên hoàng đế nước Kim đã xuất quân đi chinh phạt. Nhưng dân Thát
Đát cứ theo cái lối cũ, hễ đại quân Kim vừa kéo tới là họ rút đi xa, trốn
trong những miền hoang vu không thể nào truy kích được. Mục đích
chuyến đi này là kêu gọi Khả hãn Khắc Liệt liên kết với Kim chặn đường
thối của bọn Thát Đát. Thiết mộc Chân liền chớp ngay cái cơ hội ngàn năm
một thuở này, không những để báo thù cho cha bị người Thát Đát đầu độc
mà còn để gây uy thế trong bộ lạc Mông Cổ cũng như trong toàn miền
đồng cỏ. Liền sau đó, ông gởi một đội mã khoái “Tên bay” qua Khả hãn Tô
ha Rin đề nghị phối hợp quân lực đi đánh Thát Đát. Đồng thời ra lịnh cho
những đoàn trại Mông Cổ ở gần xứ Thát Đát phải tìm mọi cách xâm nhập
vào xứ này dò xét lực lượng và vị trí đóng trại của họ.
Trận này, mặt trước phải đối địch với quân Kim, mặt sau bị liên quân Mông
Cổ đánh bất ngờ, quân Thát Đát thảm bại. Tất cả những chiến lợi phẩm mà
quân Thát Đát đoạt được ở nước Kim đều sang qua tay liên quân Mông cổ -
Khắc liệt. Trong số đó có một món Thiết mộc Chân thích nhất là cái nôi
bằng bạc với cái mền viền kim tuyến mà dân du mục chưa hề thấy bao giờ.
Ông liền gởi về cho Bật Tê; nhưng đối với Thiết mộc Chân điều quan hệ
hơn cả là lần thứ nhất ông đã tập hợp được tất cả các bộ lạc trên đất Mông
Cổ dưới quyền chỉ huy của mình, xua họ ra mặt trận và chiến thắng vẻ
vang.