Sau trận này tướng Kim gửi báo tiệp tin về triều có kể rõ công lao của hai
Chúa Khắc liệt và Mông Cổ. Tô Ha Rin được Hoàng đế Kim phong Quốc
vương xứ Khắc Liệt (nên về sau gọi là Vương Hãn) còn Thiết Mộc Chân
được phong Đại Kim Quốc Bắc Cường Chiêu Thảo Sứ. Với chức tướng
này, Thiết Mộc Chân có thể liên lạc trực tiếp với nước Kim gây một ưu thế
riêng trong miền đồng cỏ và cũng là lần thứ nhất Thiết Mộc Chân xuất hiện
trong lịch sử nước Kim (1194).
Được sắc phong vương tước, Tô Ha Rin hết sức thoả mãn càng quý mến
nghĩa tử của mình. Thiết Mộc Chân cũng không bỏ lỡ dịp nào để tỏ lòng
trung tín đối với vị chúa Khắc Liệt. Họ tổ chức chung một buổi lễ mừng
chiến thắng và mừng tước phong rồi cùng đi săn trên lãnh thổ của Mông
Cổ. Mông Cổ tặng cho Khắc Liệt nhiều tấm da quý với tất cả thịt săn được.
Hai bên cam kết giữ bền chặt mối thân thiện và nếu chẳng may có việc gì
lủng củng xảy ra giữa hai xứ, hai vị chúa sẽ đích thân giải quyết theo tình
hữu nghị.
Lúc chuẩn bị đánh quân Thát Đát, Thiết Mộc Chân có kêu gọi bộ lạc của
Xát Sa và bộ lạc của Đài Su nhưng họ không tuân lịnh. Ông nói với các
tướng: “Chúng nó đánh Biên Gô Đài, ngay trong lều của tôi, giờ lại không
tuân lịnh đi đánh giặc. Ta không xứng đáng là Khả hãn của chúng nó sao?”
Ông liền thông báo cho Tô Ha Rin hay, rồi hai vị chúa liền mở cuộc hành
quân trừng phạt hai tên tù trưởng bất tuân thượng lịnh. Xát Sa và Đài Su
đều bị giết, hai bộ lạc bị tàn sát gần hết.
Lúc Tô Ha Rin bận đi đánh quân Thát đát, nhiều bộ lạc Nãi man tràn qua
đất Khắc liệt cướp phá, Thiết Mộc Chân liền đem quân tới giúp nghĩa phụ
quét sạch mấy bộ lạc đó.
Sau mấy vụ này tất cả những bộ lạc ở phía Bắc, phía Tây, phía Đông và
Đông Bắc đều cảm thấy cuộc liên minh này là một hiểm họa đối với họ. Từ