Hai là, khen ngợi một cách cụ thể. Khi khen ngợi việc làm hay hành vi cụ
thể, bạn đã bảo đảm rằng việc làm hay hành vi đó được lặp lại. Tuy vậy, nếu
bạn khen ngợi chung chung, như một số người vẫn làm, thì điều đó tác động
rất ít đến người được khen. Ví dụ, nếu bạn nói với thư ký: “Cô làm tốt lắm”,
thì những lời nói của bạn sẽ chỉ có tác động vừa phải. Nhưng nếu bạn nói:
“Cô làm rất tốt công việc đánh máy và báo cáo đều đặn vào thứ năm”, thì
bạn sẽ có thể thấy các báo cáo trong tương lai luôn được hoàn thành và gửi
đúng thời hạn.
Khi khen ngợi trẻ, bí quyết này cũng đúng. Thay vì nói “Con là một đứa trẻ
ngoan” thì hãy nói: “Sáng nay con thật ngoan khi đã dọn giường và dọn
phòng ngủ”. Khi bạn khen ngợi một thành tích cụ thể thì con bạn sẽ rất có
khả năng lặp lại thành tích đó. Quy luật là: Hãy khen ngợi điều gì mà bạn
muốn nó lặp lại, hãy khen ngợi ngay lập tức và cụ thể.
Ba là, bất cứ khi nào có thể, hãy khen ngợi trước mọi người. Nếu bạn phải
trách mắng một người, hãy trách mắng riêng tư, nhưng hãy khen ngợi một
người trước mặt những người khác. Bạn khen ngợi người đó trước càng
nhiều người thì lòng tự trọng của họ càng được tăng lên. Phần thưởng và sự
thừa nhận trước mặt đông đảo đồng nghiệp có tác động rất lớn đến lòng tự
trọng và hành vi tiếp theo của người đó.
Mọi người có thể làm việc vất vả hơn để kiếm tiền, nhưng điều họ khao khát
nhất là có được sự khen ngợi và công nhận. Tất cả những nhà lãnh đạo vĩ đại
đều nhận thức được điều này và đưa ra những lời khen ngợi một cách hào
phóng. Chính Napoleon đã nói: “Tôi đã phát hiện ra một điều đặc biệt: con
người có thể chết vì những dải ruy-băng (tượng trưng cho thành tích mà một
người đạt được)”. Sự khen ngợi trở thành động lực mạnh mẽ khi được vận
dụng hợp lý.
Hai cách khen ngợi
Nếu muốn một người phát triển một hành vi, như dọn dẹp phòng ngủ hay đi
làm đúng giờ, bạn nên khen ngợi mỗi khi người đó làm việc này. Hình thức
khen ngợi này được gọi là “củng cố liên tục”. Nếu bạn liên tục khen ngợi
một hành vi mới mà bạn muốn thấy nó lặp lại, thì cuối cùng người đó sẽ lặp
lại nó thường xuyên đến nỗi trở thành thói quen. Sau khi người đó phát triển
một thói quen mới, bạn có thể chuyển sang “củng cố không liên tục”. Củng
cố không liên tục nghĩa là bạn chỉ khen ngợi hành vi đó khi nó xảy ra ba hay
bốn lần.