Tuyền thanh nhập mục lương.
Bên cạnh ngôi đình này có một cái động đá. Đi xuyên qua động này, ta thấy
một cái bia đá lớn đập ngay vào mắt. Trên mặt bia khắc một hàng mười
chữ: "Sơn xuyên ánh phát sử nhân ứng tiếp bất hạ". Lại đi lên chút nữa, ta
gặp một ngôi đình nữa, biển đề bốn chữ "Hổ sơn chân ý". Đây chính là nơi
thừa lương (nghỉ mát) của Thái hậu sau này. Và đây cũng là nơi cao nhất
của Vạn Thọ sơn rồi.
Đứng từ nơi đây, hướng về bắc, nhìn xuôi xuống phía dưới núi, ta thấy bên
ngoài bức tường lớn vây quanh, độ hơn mười dặm, phố xá chốn kinh thành
dọc ngang như bàn cờ, ngựa xe chạy như mắc cửi. Ngay trước mặt ngôi
đình, phía trên đề ba chữ "Chỉ thụ lâm".
Từ phía sau lầu cao có hơi thấp hơn một chút, ta phóng tầm mắt về hướng
đông bắc, ắt thấy ngoài xa chừng vài dặm, một dãy tường thấp chạy loanh
quanh như con rắn bò trên một khu đất bằng.
Khu đất này chính là cái nền cũ của vườn Viên Minh thuở trước. Trên đỉnh
núi ta đi về phía đông, tất phải theo một con đường lớn lát toàn bằng đá hoa
cương mài nhẵn thín, miếng nào miếng nấy vuông vức.
Con đường này dài có đến vài dặm, tuy khi còn ở trên núi có chỗ chìm
xuống lại có chỗ vươn lên cao nhưng tổng quát đều bằng phẳng rất dễ đi.
Tận đầu mút con đường là một ngôi đình gọi tên là Hội đình.
Từ Hội đình này, ta đi xuống núi tới gác Cảnh Phúc, nơi đây Từ Hi thái hậu
ăn cháo hằng ngày. Rồi lại từ gác Cảnh Phúc đi ra, ta qua Như Y trang, rồi
Bình An thất thăng tới Lạc Nông hiên. Ở chính giữa hiên này đặt một cái
ngai vàng. Phía sau ngai vàng bày một cái ghế. Mé tả để một cái giao ỷ làm
theo kiểu Tây phương, bên trên trùm một cái màn vải vàng.
Lại từ Lạc Nông hiên đi xuôi theo về hướng đông nam, ta gặp Chúc Tân
lâu, Hàm Viễn đường. Trước ngôi đường Hàm Viễn này, có một cái ao
vuông, ăn thông với con suối, nước chảy róc rách suốt ngày đêm từ trong
núi ra. Khu đất này xây cất giống in như khu "Đồng Âm thâm xứ" lúc Từ
Hi thái hậu còn là một phi tử trong cung. Những dãy lan can, những chiếc
chấn song quanh co vẽ chạm hết sức tinh vi khiến phong cảnh càng thanh u
hơn.