Nhưng không ngờ sau đó, Tây thái hậu tin tưởng vào bọn đại thần gian
ngoan như Đoan Vương, Cương Nghị, nhận lầm phải đường lối của bọn
Nghĩa hoà đoàn khiến đến nỗi phải trốn chạy khổ sở. Trong cuộc trốn chạy
ấy. Tây thái hậu phải tự nhận rằng mình đã chẳng làm gì hơn được Quang
Tự hoàng đế nên đã đích thân thi hành tân chính để mong mang lại thái
bình. Bởi thế, trong lòng bà, lúc nào cũng nơm nớp bực bội xấu hổ, và nhục
nhã. Tất nhiên, tâm trạng ấy kéo dài sẽ đẩy thái hậu đến chỗ nghiệt ngã và
hơn thế, thù hận Quang Tự hoàng đế.
Bà hạ lệnh cho bọn nội giám và thị vệ phải nghiêm phòng các cửa vào
Doanh đài, nơi Quang Tự hoàng đế ở với người đẹp Cẩn phi. Sự nghiêm
phòng gắt gao đến mức Quang Tự không khác chi kẻ bị giam cầm.
Đầu năm Canh Tý (1900), Tây thái hậu đặt đủ biện pháp để cô lập Doanh
đài. Ở mặt trái Doanh đài, có một cái cầu, và một số thuyền bè túc trực tại
hai bên bờ hồ. Chiếc cầu này xây bằng đá tảng, những lúc cần, có thể rút
đoạn giữa cầu lên được để cắt lối đi. Ban ngày người ta buông cầu xuống
để đi lại. Nhưng bây giờ, thái hậu đã lệnh rút cầu vĩnh viễn.
Thế là bất luận ngày hay đêm không còn ai có thể tự do ra vào Doanh đài
nữa. Mỗi khi, mong ân được triệu bọn phi tần bắt buộc phải dùng thuyền
nhỏ mới vào được. Hồi đó, bên cạnh Quang Tự hoàng đế, chỉ có vỏn vẹn
Cẩn phi mà thôi. Bởi thế, những lúc đầu hôm sớm mai, bên hoa dưới
nguyệt, Quang Tự hoàng đế đôi khi không khỏi thấy trơ trọi, cô đơn, tình
thế của ông vua bị giam cầm, phế bỏ. Rồi ngài tưởng nhớ đến Trân phi,
người đẹp lý tưởng của ngài mà lòng càng thêm ngao ngán, buồn bã. Bất
giác ngài nấc lên thành tiếng.
Cẩn phi thấy vậy cũng chẳng ngăn được lệ sầu tuôn chảy. Hai người ôm
nhau khóc lóc thảm thiết, thương mình và thương lẫn cho nhau.
Có một lần, giữa cơn mưa tuyết lạnh thấu xương, tuyết đóng trên đất bặng
dầy tới năm thước, Tây thái hậu gọi một tên tiểu thái giám khâu một cái áo
bằng da con rái cá rồi đem sang Doanh đài cho Quang Tự hoàng đế. Bà còn
dặn thêm tên tiểu thái giám:
- Khi dâng chiếc áo cho hoàng thượng, ngươi tâu với ngài là vải do Lão
Phật gia đích thân cho để cắt may vốn là vải bố, còn cúc áo thì bằng vàng.