cách mà y cho là đắc sách lắm. Tức thì Khổng cho mời một số lớn bối lặc,
đại thần khắp Mãn Châu, Mông Cổ lại quán khách, thương nghị về việc tôn
hiệu cho hoàng đế. Thế là cả bọn nghe theo, rồi giao cho Phạm Văn Trình
thảo biểu văn.
Tờ biểu còn được viết ra ba thứ chữ Mãn, Mông, Hán.
Sáng sớm tinh sương Thái Tông thiết triều. Lại bộ kiêm Thạc mặc cẩn Căn
Đại Thanh, bối lặc Đa Nhĩ Cổn bưng tờ biểu viết chữ Mãn, Khoa Nhĩ Bí
quốc, Thổ Thạc Đồ Tế Nông bưng tờ biểu viết chữ Mông. Còn Khổng Hữu
Đức bưng tờ biểu viết chữ Hán. Cả ba vị đại thần nhất tề quỳ xuống trước
điện, đợi thị vệ quan bưng biểu văn lên đặt trên long án. Thái Tông cầm tờ
biểu lên đọc. Biểu rằng:
"Chư bối lặc, đại thần, văn võ các quan, cùng các bối lặc nơi phiên ngoại,
cung duy Thánh thượng, nhờ trời phò trợ, ứng vận mà hưng nghiệp. Giữa
lúc thiên hạ hỗn loạn, ngài hữu đức, theo trời; kẻ nào nghịch lại thì dùng
binh mà ra oai, kẻ nào thuận theo thì lấy đức mà vỗ về. Lòng khoan hậu,
tính ôn nhu của ngài phổ độ tới muôn phương. Ngài chinh phục Minh triều,
ngài thống nhất Mông Cổ - Ngài còn thâu được ngọc tỷ, khiến Nội Ngoại
(Mông) hợp một tên. Trên thì hợp ý trời, dưới thì thoả lòng dân. Bởi vậy
thần dân ngưỡng vọng lòng tôn kính dâng tôn hiệu. Nghi lễ mọi thức đều
đã hoàn bị. Rất mong thánh thượng doãn tứ, để thần dân khỏi thất vọng" .
Thái Tông hoàng đế xem biểu bèn nói:
- Hiện nay thời cuộc chưa yên. Lúc này chinh là lúc dùng binh, làm gì rảnh
rỗi mà nghĩ tới điều đó.
Các bối lặc, đại thần nhất tề khuyến giá. Mọi người đồng thanh nói:
- Xưa nay thường nói: danh có chính thì ngôn mới thuận. Hoàng thượng
công trùm hoàn vũ. Nay hoàng thượng dùng binh đánh Minh quốc thì trước
hết phải có tôn hiệu, rồi sau hạ chiếu thư chiến đấu với Minh triều mới
phải.
Thái Tông hoàng đế nghe bọn triều thần nói có lý, bèn gật đầu ưng chịu.
Thế là ngài cho chọn ngày tốt, tế cáo trời đất, vâng chịu tôn hiệu "Khoan ôn
nhân thánh hoàng đế", đổi quốc hiệu ra Đại Thanh, cải nguyên Sùng Đức
năm thứ nhất.