Lại nói Ung Chính hoàng đế sau khi đã giết được Ngư Xác thì trong thiên
hạ coi như không còn ai là đối thủ nữa.
Lòng ngài vô cùng khoan khoái. Nào ngờ chẳng được mấy hôm, Tứ Xuyên
tổng đốc Nhạc Chung Kỳ mật tấu Tăng Tính người Hồ Nam kết đảng mưu
phản. Ung Chính hoàng đế nghĩ uy vũ của mình đến thế mà vẫn còn có tên
Tăng Tính nào đó còn dám mưu đồ nọ kia thì lạ thật. Phải dùng hắn làm
tấm gương cho kẻ khác mới xong. Ngài bèn phái ngay hai viên đại thần,
một Mãn một Hán, tới Tứ Xuyên hợp lực với Nhạc Chung Kỳ để tra xét và
dẹp bỏ vụ này.
Tăng Tính là ai mà dám đối đầu với Ung Chính hoàng đế như vậy? Xin
thưa: Tăng Tính hiệu là Bô Trạch, vốn là một kẻ sĩ có sở học uyên bác của
tỉnh Hồ Nam. Tính thấy các vua quan nhà Thanh áp bức dân Hán quá đáng,
trong lòng phẫn hận, thường có ý nghĩ tập hợp bạn bè cùng chí hướng khởi
nghĩa, đuổi người Mãn, khôi phục lại Trung nguyên.
Một hôm, Tính gặp Trương Hy cũng ngụ trong xóm. Hy vừa mượn được
cuốn sách bình luận về thời cuộc do Lã Văn Thôn sáng tác, nội dung quá
nửa nói về sự khác biệt giữa Hoa và Di (Hoa là Trung Hoa, Di là những
quốc gia nhỏ chung quanh Trung Quốc như Mông, Mãn v.v…); cũng nói cả
về sự giao tỉnh giữa vua tôi phải như bạn hữu; lại nói cả đến việc dọn dẹp
bọn ngoại bang để cứu Trung Quốc, đó là sứ mệnh của người quân tử. Tóm
lại suốt cuốn sách, chỗ nào cũng có lời lẽ bài xích người Mãn. Tính xem
xong, không khỏi vỗ bàn khen tuyệt.
Lã Văn Thôn hiệu là Lưu Lương, vốn một văn nhân nổi tiếng đất Hồ Nam.
Học trò của Thôn rất đông, đều là những người thành đạt cả. Khang Hi
hoàng đế biết danh tiếng của Thôn, bèn phái người tiến cử Thôn ứng thí
vào Bác học hồng tư khoa. Thôn trong lòng ghét cay ghét đắng người Mãn,
bảo Thôn làm quan nhà Thanh sao được. Thôn liền cắt tóc đi tu, rồi trốn
biệt vào rừng sâu làm hoà thượng. Con trai Thôn là Lã Nghi Trung, cũng
người có chí khí. Trung nối chí cha, bèn cùng bọn môn sinh của cha mình
như Nghiêm Hồng Lục, Thám Tại Khoan, kết thành hội nhóm rồi đem tác
phẩm của cha sao chép thành nhiều bản để phân phát cho cả hội cùng đọc.
Trương Hy vì thế cũng sao được một bản cất trong nhà. Khéo thay hôm đó