thì thuyền của Lã Tứ Nương xuôi gió thuận buồm, đã vượt khỏi địa phận
Bắc Kinh hướng về nam mà lướt tới.
Chuyện kể cũng kỳ lạ. Khi Lã Tứ Nương chưa báo được thù cha thì lúc nào
cũng mặt ủ mày chau, áo xô phấn nhạt, nhưng khi đã báo được thù rồi thì
cười nói suốt ngày, nào xiêm áo, nào phấn son, đẹp ra trông thấy.
Chu Dung Kính mừng vui khôn tả, suốt ngày đêm trong đầu chỉ nghĩ tới
chuyện trăm năm với nàng.
Thuyền trẩy tới địa phận tỉnh Hồ Nam, Cầu Nhiêm Công đưa Dung Kính
về nhà. Phụ thân của Dung Kính gặp lại con, mừng như sống lại. Dung
Kính nói với cha việc xin cưới Tứ Nương làm vợ. Cầu Nhiêm Công liền
đứng ra làm chủ hôn, chọn ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ làm lễ cưới.
Ngày vui ngắn chẳng tầy gang, vừa mấy chốc đã một tháng trôi qua, Cầu
Nhiêm Công muốn cáo từ ra về. Cha con Chu Dung Kính cố giữ lại mà
không được. Lã Tứ Nương nói:
- Vợ chồng con nhờ sư phụ chu toàn nên mới có ngày nay. Sư phụ lên
đường, chúng con xin tiễn đưa về mãi Tứ Xuyên.
Chu Dung Kính cũng nói:
- Phải đấy! Phải đấy!
Ngư Nhương quyến luyến, không muốn rời xa Tứ Nương. Nàng nhớ tới
ngày cha bị hại mà thê thảm trong lòng. Cha chết, nhà không có, biết về
đâu? Càng nghĩ nàng càng buồn, bất giác đôi dòng lệ tuôn rơi lã chã. Lã Tứ
Nương hết lời khuyên giải và an ủi nàng, Cầu Nhiêm Công cũng nhân đó
nhận nàng là con và hứa chăm sóc cẩn thận nàng mới nguôi ngoai được.
Bốn người lại bắt đầu cuộc hành trình. Lần này, thuyền ngược sông Trường
Giang. Dọc đường, cảnh núi non hùng vĩ sông nước long lanh, cây cỏ tốt
tươi, làm cho mọi người đều khuây khoả nỗi sầu ly biệt.
Thuyền đã tới địa phận Tứ Xuyên. Nơi đây núi non hùng vĩ, hiểm trở hơn.
Bốn người bỏ thuyền lên ngựa, theo đường bộ. Vừa tới núi Ngũ Lão, dừng
ngựa trên đồi cao, họ bỗng thấy từ phía chân đồi có một ông lão với một
chàng thanh niên đang cho ngựa thong thả bước ra. Ngư Nhương nhanh
mắt, nhận ra ngay ông lão đó chính là Ngư Xác, cha nàng. Nàng vội ra roi
quất ngựa chạy tới trước cha. Hai cha con chỉ biết ôm nhau khóc ròng.