giường, im hơi lặng tiếng trong đó.
Một chuỗi tiếng giầy bước ngang qua. Ông nghe tiếng hoàng đế nói chuyện
với Hoà Khôn rồi Hoà Khôn ca tụng những chiến công của hoàng đế. Ông
cũng nghe hoàng đế dặn là khi soạn xong bộ sách Kỷ yếu ghi công thì soạn
ngay tới bộ Lục tuần Giang Chiết (sáu lần đi tuần du miền Giang Nam,
Chiết Giang) khởi đầu từ năm Càn Long thứ mười sáu Tân Mùi, đến năm
thứ bốn mươi chín Giáp Thìn, phụng thái hậu du hành bốn lần, đưa các
hoàng tử du hành hai lần, năm Tân Mùi và năm Đinh Sửu hai lần đi xem
xét việc đắp đê ven sông. Năm Nhâm Tý định thanh khẩu thuỳ chi, năm
Giáp Thìn sửa đổi đào trang hạ lưu. Năm Canh Tý đi quan sát Hải Ninh,
thạch đường (bờ đê đá) Năm Giáp Thìn đi làm tiếp đê đá tỉnh Chiết Giang.
Đấy là nội dung của bộ sách Lục tuần Giang Chiết mà hoàng đế giao cho
Hoà Khôn và Kỷ Hiểu Phong hai người đôn đốc bọn quan Hàn lâm cố tâm
biên soạn kỹ lưỡng, nhưng chỉ nên có gì viết nấy chứ không được quá phô
trương. Hoàng đế nói xong, ông nghe Hoà Khôn miệng thưa "Lĩnh chỉ".
Chưa hết, ông còn nghe hoàng đế hỏi Kỷ Hiểu Phong đi đâu, ai đó tâu là có
việc phải đi, lát nữa mới quay lại. Càn Long hoàng đế lại hỏi:
Bộ sách Kỷ công thư đó đặt nhan đề chưa?
Hoà Khôn đáp:
- Tạm thời đặt tựa là "Thập toàn đại võ công ký".
Càn Long hoàng đế nghe xong, phá lên cười, nói:
- Nếu nói vậy thì Trẫm bèn xưng là "Thập toàn lão nhân" cho hợp!
Sau đó, ông lại nghe tiếng chân ngài bước xuống sàn nhà, chạy tới các án
thư lớn, thuận tay giở hết bản thảo này tới bản thảo nọ.
Lúc đó, trong phòng lặng ngắt như tờ, đến một tiếng ho nhỏ cũng không có.
Kỷ Hiểu Phong nằm dưới gầm giường, tức hơi đến muốn chết. Mồ hôi chảy
ra như tắm, nhỏ giọt xuống đất tí tách, miệng thở hổn hển như sắp đứt hơi.
Một lát sau, ông cố ghé tai nghe ngóng. Tưởng rằng hoàng đế đã ra đi bèn
thò đầu ra lớn tiếng hỏi "lão đầu tử" (lão già gân) đi rồi sao?", khiến cả bọn
đại thần đứng nãy giờ trong phòng giật mình đánh thót một cái. Càn Long
hoàng đế cũng lấy làm quái lạ, liền hỏi:
- Ai hỏi vậy?