tướng Vương, Hùng áp giải tới Tây thành chém đầu, rồi đem tới mãi miền
biên địa để bêu đầu hiệu lệnh.
Lại nói Anh Minh hoàng đế sau khi chiếm được Quảng Ninh và những
vùng lân cận, lại thiên đô lần nữa tới Thẩm Dương, tập trung Đông lộ binh
mã tại thành này đông tới mười vạn người ngựa, một mặt thảo luận với các
bối lặc đại thần về kế hoạch tấn công Sơn Hải quan, mặt khác sai bọn thám
tử thượng thặng vượt cảnh vào Trung Nguyên do thám tình thế Minh triều.
Lúc này, Minh triều đã cải nhiệm cho Vương Tại Tấn làm Liêu Đông kinh
lược sứ. Tấn kinh lược xây cất một toà thành mới cách Sơn Hải quan tám
dặm, thiết lập quan ải các nơi, hết tâm phòng thủ.
Một hôm, mọi người thấy một tên đại Hán cưỡi ngựa xông ra ngoài thành,
miệng hô lớn:
- Ta chỉ cần xin hoàng thượng cấp cho ta quân mã tiền lương. Một mình ta
đủ để đối phó với mười vạn quân Mãn.
Bọn quân sĩ canh cổng nghe tiếng hô, lập tức kéo tới và đưa tên đại Hán tới
yết kiến Vương Tại Tấn. Hỏi tình hình Liêu Đông thì tên đại Hán giải thích
đâu vào đấy thao thao bất tuyệt, chứng tỏ y am tường mọi lẽ, không phải là
kẻ tầm thường.
Vương kinh lược cả mừng, một mặt lưu y lại nơi phủ đệ, một mặt tâu lên
Hy Tông hoàng đế.
Tên đại Hán đó là ai mà dám lớn miệng đến thế? Đó là Viên Sùng Hoán.
Khi Hùng kinh lược còn tại nhiệm ở Liêu Đông, Hoán đã có nhận chức võ
quan. Về sau Minh binh đại bại, Hoán lưu lạc nơi quan ngoại. Hoán đi tới
đâu là quan sát địa thế, tìm hỏi phong tục tới đó. Hoán giao kết được với
nhiều đồn trại nơi quan ngoại, đồng thời thu thập kêu gọi được nhiều tân
binh trong quan nội. Bởi vậy, một đạo thánh chỉ từ Bắc Kinh gửi tới bổ
nhiệm Hoán chức quan ngoại giám quân, xuất quốc khố hai mươi vạn cho
Hán chiêu mộ tân binh.
Binh bộ thượng thư Tôn Thừa Tông lúc đó cũng rất tín nhiệm Hoán. Ông
thường hay đề cao Hoán trước Hy Tông hoàng đế.
Đến khi Vương Tại Tấn cáo lui, thì Hoán được thăng làm Liêu Đông kinh
lược sứ. Chủ trương của kinh lược Viên Sùng Hoán là chú trọng cả hai mặt