THIÊN 03 MƯU CÔNG
Tôn Tử nói:
Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch khuất phục trọn vẹn là
thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm cho toàn quân địch chịu khuất phục là
thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm nguyên lữ quân địch khuất phục là
thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm nguyên một tốt địch khuất phục là
thượng sách, đánh nó là kém hơn. làm nguyên một ngũ địch khuất phục là
thượng sách, đánh nó là kém hơn. Thế nên bách chiến bách thắng cũng chưa
phải cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất
phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt. Cho nên thượng sách trong
việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế đó là thắng địch bằng ngoại
giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là tấn công thành trì. Đánh thành
là biện pháp bất đắc dĩ, chế tạo chiến xa, vũ khí phải mất 3 tháng mới hoàn
thành, chuẩn bị binh mã lại mất 3 tháng nữa. Tướng sốt ruột xua quân đánh
thành, thương vong 3 phần mất 1 mà vẫn chưa hạ được. Đó chính là cái hại của
việc đánh thành. Cho nên người giỏi dụng binh, thắng địch mà không phải giao
chiến, đoạt thành mà không cần tấn công, phá quốc mà không cần đánh lâu,
nhất địch phải dùng mưu lược toàn thắng mà thủ thắng trong thiên hạ, quân
không mỏi mệt mà vẫn giành được thắng lợi hoàn toàn.
Phép dụng binh, gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn
công, gấp đôi thì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì
rút, tránh giao tranh với địch. Binh yếu mà đánh thẳng tất bị bắt làm tù binh.
Tướng soái là trợ thủ của quốc gia, trợ thủ tốt thì nước cường thịnh, kém thì
nước suy yếu. Vua có thể gây bất lợi cho việc quân trong 3 trường hợp: không
biết quân không thể tiến mà bắt tiến, không biết quân không thể thoái mà bắt
thoái, đó là trói buộc quân đội. không biết việc quân mà can dự vào khiến
tướng sĩ hoang mang khó hiểu. không biết mưu kế dụng binh mà can dự vào
khiến tướng sĩ băn khoăn nghi ngờ. Quân hoang mang nghi ngờ thì các nước
chư hầu thừa cơ tấn công. Đó là tự làm rối mình khiến địch thắng.