ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy
giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không ?
Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư
Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn
đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là
nghịch thù.
Vì sao vậy ? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các
ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy
quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà
chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời,
há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa ?
Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta.
---
Chú thích
Kỷ Tín: tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây ở
Huỳnh Dương, Kỷ Tín giả làm Hán Cao Tổ ra hàng, bị Hạng Vũ thiêu chết.
Hán Cao Tổ nhờ thế mới thoát được.
Do Vu: tướng của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu. Theo Tả Truyện, Sở
Chiêu Vương bị nước Ngô đánh phải lánh sang phương Đông, một đêm bị
cướp vây đánh. Do Vu đã chìa lưng ra đỡ giáo cho vua mình.
Dự Nhượng: gia thần của Trí Bá thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương Tử
giết, Dự Nhượng bèn nuốt than cho khác giọng đi, giả làm hành khất, mưu giết
Tương Tử để báo thù cho chủ.
Thân Khoái: quan giữ ao cá của Tề Trang Công thời Xuân Thu. Trang Công
bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái bèn chết theo chủ.
Kính Đức: tức Uất Trì Cung đời Đường. Khi Đường Thái Tông (bấy giờ còn
là Tần Vương Lý Thế Dân) bị Vương Thế Sung vây, ông đã lấy mình che chở,
hộ vệ cho Thái Tông chạy thoát.
Cảo Khanh: họ Nhan, một bề tôi trung của nhà Đường. Khi An Lộc Sơn nổi
loạn, đánh đuổi Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, ông đã cả gan chưởi
mắng An Lộc Sơn và bị cắt lưỡi.
Vương Công Kiên: tướng tài nhà Tống, giữ Hợp Châu, lãnh đạo quân dân
Tống cầm cự với quân Mông Cổ do Mông Kha chỉ huy ở núi Điếu Ngư suốt