họ làm ra. Đổi lại, người nội địa có thể cung cấp da, chân và gạc tuần lộc,
lông chó sói và các động vật có vú trên cạn khác, nhựa thông để lấp lỗ
hổng, đồ khô và trái dâu.
Ai buôn bán cái gì?
Những ví dụ về vật phẩm trao đổi này minh họa cho một mô hình mà
những người hiện đại chúng ta xem như hiển nhiên, vì nó mô tả gần như
mọi giao thương ngày nay: mỗi đối tác cung cấp các vật phẩm mình có
hoặc có thể sẵn sàng tạo ra mà đối tác kia không có. Nguyên vật liệu thô và
các kỹ năng cần thiết để sản xuất các sản phẩm hoàn thiện đều phân bổ
không đồng đều trên thế giới. Ví dụ, Hoa Kỳ là nước xuất khẩu hàng đầu
thế giới về thực phẩm thô và máy bay thành phẩm, vì họ có thể tạo ra thức
ăn và máy bay nhiều hơn nhu cầu của mình. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là nước
nhập khẩu dầu, vì họ không sản xuất đủ dầu để đáp ứng nhu cầu, trong khi
một số nước khác (như Ả Rập Saudi) sản xuất ra dầu nhiều hơn nhu cầu
của họ. Những sự bất cân bằng nguyên vật liệu thô và kỹ năng như vậy
cũng đặc trưng cho hầu hết, chứ không phải tất cả, hoạt động thương mại
truyền thống.
Về những nguyên vật liệu thô phân bổ không đồng đều, một mô hình chung
là để mỗi người láng giềng chiếm cứ các nơi cư trú khác nhau cung cấp cho
nhau các nguyên vật liệu thô chỉ có ở hoặc dư thừa ở nơi cư trú của người
xuất khẩu. Nhiều ví dụ bao gồm thương mại giữa những người ven biển và
nội địa. Ở mỗi trường hợp như vậy, như tôi nêu chi tiết ở hai đoạn trên về
người Inuit ở Alaska, đối tác ven biển có khả năng tiếp cận ưu tiên và duy
nhất với các tài nguyên đại dương và ven biển như động vật có vú ở biển,
cá và sò, trong khi đối tác nội địa có khả năng tiếp cận ưu tiên và duy nhất
với các tài nguyên trên cạn như thú rừng, vườn và rừng.
Một mô hình phổ biến khác phải kể đến giao thương các nguyên vật liệu
thô rất địa phương không gắn liền với các loại hình nơi cư trú cụ thể, nổi
bật là muối và đá. Người Dani Dugum thu hoạch muối của họ từ hồ nước