THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA VIỆT NAM - Trang 6

Nguyễn Khắc Thuần

Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam

Lời đề tựa của giáo sư Trần Văn Giàu

Một dân tộc mà đời đời tồn tại và phát triển, một dân tộc mà nở mày nở mặt
được với các dân tộc khác trên thế giới, trước hết là nhờ cái quốc học của mình.
Quốc học của một dân tộc, dầu nhỏ dầu lớn, đều luôn luôn gồm có lịch sử, văn
chương, tư tưởng (tín ngưỡng) của riêng mình. Ba bộ phận ấy của quốc học như
cái thế chân vạc, đỡ chiếc đỉnh mãi mãi không dứt khói hương. Chúng ta có thể
tự hào mà nói rằng, những sáng tác mang tính văn học đầu tiên của người Việt
Nam là sáng tác về đề tài lịch sử, thấm nhuần tư tưởng yêu nước thương nòi.
Đọc các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích thì rõ. Và xưa nay, ông bà ta luôn luôn
cho rằng, để giáo dục các thế hệ con cháu, không gì hơn là dạy lịch sử: lịch sử
dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình, lịch sử các vị anh hùng, nam và nữ.
Nay Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành thêm một quyển sử, như quyển sử ta đang
có trong tay, thì tôi hoan nghênh lắm. Sách này tôi đặc biệt hoan nghênh, chính
vì nó đi vào một đề tài lịch sử không thể khô khan hơn được nữa! Thế thứ các
triều vua Việt Nam chẳng phải là một đề tài khô khan sao? Khô khan quá đi
chứ. Nhưng lại cần thiết biết mấy. Chỉ tiếc rằng mãi đến hôm nay mới có.
Trước kia ở thời phong kiến, ở nước Nam cũng như ở nước Bắc, các sử quan có
lệ chép sử theo đời vua, vua này kế vua kia, đời này sang đời nọ. Sau này, vào
thời cận và hiện đại, sử không còn là sử riêng của các vua chúa và hoàng hậu
nữa. Khoa học lịch sử ngay trên đất nước Việt Nam, từ mấy mươi năm nay, đã
phát triển đến một trình độ có thể tự hào. Nhưng cũng chính vì nó phát triển
mạnh trong nghiên cứu cũng như trong giáo dục, cho nên, rất cần đến dăm ba
quyển sử mang tính chất công cụ. Quyển Thế thứ các triều vua Việt Nam của
Nguyễn Khắc Thuần là một quyển sách công cụ cần thiết đó.
Bất kì ai cầm bút đứng giảng đều cần loại sách công cụ này để tránh vô số cái
sai bất ngờ trong nghề viết và nói. Nguyễn Khắc Thuần có lần tâm sự với tôi
rằng:
- Nếu lấy việc của nhà Đinh đem gán cho nhà Trần, lấy việc của nhà Lý đem
gán cho nhà Hồ, hoặc giả là lấy việc của nhà Lê đem gán cho nhà Nguyễn… thì
dẫu là vô tình hay cố ý, đều không khỏi mang tội với tổ tiên.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.