không ai viết là năm 1472 mà lại viết là đời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ
3 v.v… Tất nhiên, phép viết sử theo lối biên niên cũng bắt buộc sử gia phải kê ra
đầy đủ cả tên năm theo can, chi của âm lịch nữa, nhưng tên năm theo can, chi
của âm lịch chỉ có 60 tên riêng biệt mà lịch sử thì lại đằng đẵng hàng ngàn năm,
cho nên, sự trùng lặp của tên năm theo can, chi của âm lịch rất dễ gây ra sự
nhầm lẫn. Nếu không nắm được thế thứ trước sau của các triều vua, thì dù có
nắm được tên năm theo can, chi của âm lịch, chúng ta cũng không dễ gì xác
định thời gian diễn ra của các sự kiện và vấn đề. Từ thực tế này, một vấn đề
quan trọng khác đã nảy sinh, đó là làm sao để có thể tra cứu một cách dễ dàng
và nhanh chóng về thế thứ cũng như niên hiệu cụ thể của các triều vua Việt
Nam?
Công bằng mà xét, cách đây hơn hai chục năm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
cũng đã có cho ra mắt cuốn Niên biểu Việt Nam của tập thể nhóm nghiên cứu
Văn Vật (Vụ Bảo tồn – Bảo tàng, bộ Văn hoá), do nhà nghiên cứu Lê Thước
chủ biên. Sách ấy được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh, và do đó, đã được tái
bản vào năm 1970. Song, cũng công bằng mà xét Niên biểu Việt Nam có hai
nhược điểm khá rõ. Một là xuất bản đã lâu, nay không phải ai cũng còn giữ
được, và hai là phần niên biểu là phần chính thì viết quá sơ sài, trong khi đó,
phần chuyển đổi âm dương lịch là phần phụ thì lại chiếm đến hơn hai phần ba số
trang của sách. Đọc sách mà chỉ cốt tìm hạn chế của sách là điều tối kị, nhưng
viết sách mà không thấy hạn chế của người đi trước để cố gắng tìm cách khắc
phục cũng là điều không hay. Xuất phát từ nhận thức như vậy, chúng tôi mạnh
dạn biên soạn cuốn sách này.
Đúng như tên gọi của nó, sách này chủ yếu là giới thiệu thế thứ và niên hiệu
trước sau của các triều vua Việt Nam. Mỗi một triều đại, chúng tôi lần lượt cung
cấp cho bạn đọc các thông tin chính sau đây:
- Họ và tên của các vua.
- Thân sinh và thân mẫu của các vua.
- Ngày, tháng, năm sinh của các vua.
- Ngày, tháng, năm được lập làm thái tử (nếu có) và ngày, tháng, năm lên ngôi
của các vua.
- Ngày, tháng, năm làm thượng hoàng và tổng cộng thời gian làm thượng hoàng
(nếu có).