Những ý nghĩ nhỏ
Ai nói rằng: “Sáng-tác khó, phê-bình dễ”? Không, phê-bình cũng khó như
sáng-tác. Một nhà phê-bình giỏi cũng hiếm như một nhà viết tiểu thuyết
giỏi. Nhà phê-bình còn cần đến những đức tính không phải là có nhiều
trong lòng người; nhà phê-bình trước hết phải công bình và hiểu được
người khác.
Có nhiều nhà phê-bình chỉ phê-bình vì có dịp nói tới mình. Họ có cần gì
đến tác-phẩm mà họ phê-bình đâu. Như F. Celine đã nói trong cuốn
“Bagatelles pour un massacre”, họ không thể nói tới cái gì khác được cái
“bản ngã kiêu ngạo” của họ. Thật là đáng chán khi thấy họ giày vò một tác-
phẩm, dùng nó làm một cái bực để nhẩy đi xa.
Nhiệm vụ của nhà phê-bình có lẽ không phải là tìm tòi những tài năng mới.
Nhưng trong công việc, nhà phê-bình phải lưu ý hơn đến những tác-phẩm
đầu tiên của một nhà văn. Phải cúi mình xuống những tác-phẩm có biểu-lộ
một tâm-hồn rung động, một ý-chí sốt-sắng. Tác-phẩm có thể vụng về, có
thể non-nớt như tiếng chim mới biết kêu. Nhưng cốt nhất là thấy ở đấy một
vẻ sắc riêng, một âm-điệu đặc biệt; cái già giặn của nét bút, cách xếp đặt
của cuốn truyện rồi về sau sẽ có. Không thể nhầm được, và nhà phê-bình
cũng không có quyền nhầm, trong đó thế nào cũng có cái gì cho ta đoán
biết được tài năng về sau này.
Không có gì cảm-động hơn những bước chân hãy còn chập-chững của
những người mới-mẻ, bắt đầu đi vào các đường lối tri-thức và của tâm-hồn.
*
**