THI NHÂN VIỆT NAM - Trang 111

PHẠM HẦU

Con quan nguyên thượng thư Phạm Liệu. Sinh ngày 2 mars 1920 ở Trừng Giang, phủ Điện Bàn (Quảng Nam), Học trường Quốc học

Huế, trường Mỹ thuật Hà Nội.

Đã đăng thơ: Tao đàn, Mùa gặt mới.

Lần đầu tôi xem thơ Phạm Hầu trên tạp chí “Tao đàn”, những bài thơ in bằng một thứ chữ chắc

chắn, đậm nét. Lần ấy tôi bỏ qua. Hôm nay đại khái cũng những bài thơ ấy, tôi lại thích. Sự thay
đổi đó tôi tin rằng một phần cũng vì những bài tôi xem hôm nay đều do tay tác giả chép bằng một
lối chữ khác hẳn lối chữ “Tao đàn” ngày trước. Những chữ mảnh khảnh, nhỏ nét, nằm trên trang
giấy như còn e thẹn, ngập ngừng. Lối chữ này đã giúp tôi hiểu Phạm Hầu dễ dàng hơn. Ở đời có
những người nói to bước vững. Phạm Hầu quyết không phải trong hạng ấy. Ở giữa đời, Phạm Hầu
là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mãi sống với mình và con người

ta tưởng không có gì là một người giàu vô vạn. Lòng người là một vọng hải đài

[83]

, người chỉ việc

đứng trên đài lòng mà ngắm: qua lại thiếu gì mây sớm gió chiều. Một buổi trưa bình yên người
thấy:

Có cái gì chuyển thay đây với đó,

Một cái gì lên xuống mãi không thôi.

Lắng càng lâu càng nghe mãi xa xôi...

Một tiếng nhẹ trong tiếng nào nhẹ nữa.

Cho đến khi yêu, người vẫn ưa nhìn lòng mình hơn nhìn nhan sắc người yêu:

Gặp tình cờ song chẳng biết vì đâu

Chân em trắng vậy mà lòng anh lạnh.

Cái màu trắng kia tưởng ở trong lòng người thơ nhiều hơn là trên chân người đẹp.

Thơ như thế mà in ra bằng một thứ chữ chắc chắn, đậm nét thì thực lệch lạc cả. Hồn thơ là một

cái gì rất mong manh, có khi chỉ một tí cũng đủ làm tiêu tan hết. Không lẽ mỗi bài thơ - không, mỗi
câu thơ - in một thứ chữ, nhưng phải như thế mới có nghĩa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.