NGUYỄN GIANG
Con nhà văn hào Nguyễn Văn Vinh. Trên ba mươi tuổi. Đã du học bên Pháp, về nước chủ trương Âu tây tư tưởng và Đông Dương
tạp chí.
Họa sĩ hơn là thi sĩ.
Đã xuất bản: Trời xanh thẳm (1935)
Ký giả lại nghĩ rằng nếu trong một bức tranh, cái Đẹp chẳng phải là ở riêng một vật nào, mà là
ở cách ta để cái vật này gần cái vật khác để cho cái hình nọ với cái hình kia nó cân đối nhau, thì
trong vần thơ cái Đẹp cũng chẳng phải là ở một vật riêng nào, một chữ, một câu nào, mà là ở cái
toàn thể cả bài thơ; ở cái cách tình cảnh tương đối và hòa hợp với nhau”. Câu này Nguyễn Giang
viết trong tựa Trời xanh thẳm (tr. 17-18). Tôi chép lại đây để rõ quan niệm của Nguyễn Giang về
thi ca; làm thơ là tìm cái Đẹp mà cái Đẹp là “cái cách tình cảnh tương đối và hòa hợp với nhau”.
Có hiểu quan niệm đặc biệt ấy, cái quan niệm từ nghề vẽ chuyển sang nghề thơ, họa may mới
hiểu được thơ Nguyễn Giang. Tôi nói họa may vì thú thật tôi không dám chắc là đã hiểu. Tôi quá
nặng lòng trần tục mà lối thơ này quá thuần túy chăng? Tôi không hiểu được những nhà thơ nghệ
sĩ chăng? Dẫu sao, xem thơ tôi muốn tìm những tâm hồn, Mà sau câu thơ Nguyễn Giang ít khi tôi
thấy có gì. Sự tương đối, sự hòa hợp của những tình, những cảnh trong thơ Nguyễn Giang tôi thấy
tầm thường quá, không đủ rung động lòng tôi. Người ta bảo lối thơ Đường bao giờ cũng thế.
Nhưng tôi đã đọc của Lý Bạch, của Đỗ Phủ những bài thơ khiến tôi rung cảm biết bao!
Đã vậy sao tôi lại nói đến thơ Nguyễn Giang trong một quyển sách chỉ nói đến những nhà thơ và
những bài thơ tôi thích? Ấy là vì đọc Nguyễn Giang tôi bỗng không dám hoàn toàn tin tôi. Ấy cũng
vì những ý nghĩ thành thực và ngộ ngộ giãi bày trong bài tựa dài đầu quyển Trời xanh thẳm. Vậy
xin trích ra đây ba bài thơ tôi để ý nhất (bài nào câu cuối cũng hay). Hoặc giả bạn đọc sẽ thấy có
gì chăng, ngõ hầu khỏi mai một một nhà thơ có chân tài biết đâu!
Septembre 1941