hai nghìn người, chúng ta lấy nhàn đánh mệt, đột nhiên xông từ đồi xuống,
chắc chắn có thể đánh bại một, hai nghìn binh tướng đã mệt lả vừa qua sông
của chúng. Lãng Đa cho dù nhiều nhân mã cũng chỉ có thể đứng ở bờ bên
kia lo sốt vó.”
Vân Tương gật đầu khen ngợi: “Lúc qua sông đêm qua ta đã lưu ý thấy
con mưa lớn mấy hôm trước khiến nước sông dâng cao, nơi cạn nhất cũng
sâu ngang bụng, gần đây lại không có cây cối để bắc cầu, muốn qua sông
quả thực không dễ. Nếu là ngày trước, Lãng Đa chưa chắc đã mạo hiểm qua
sông, nhưng hiện giờ y sẽ cho rằng chúng ta là con chim sợ nỏ, chỉ mong
chạy trốn mà không dám phản kích, vì vậy chúng ta sẽ cho y nếm mùi.”
Võ Thắng Văn cũng hiểu ra, phấn khích vỗ tay nói: “Hay! Đi ngược lại
suy nghĩ của chúng, tấn công chúng lúc không phòng bị, để người Ngõa
Thích biết Tân Quân Doanh chúng ta không phải dễ ức hiếp.”
Lúc nói chuyện chợt thấy bờ đối diện có người phi ngựa tức tốc chạy
đến, cho ngựa dừng lại ở bên bờ sông, mọi người nhìn kỹ lại, láng máng
nhận ra là đệ tử tục gia Thiếu Lâm La Nghị. Vân Tương hỏi vọng từ bờ bên
kia lại: “Truy binh còn bao xa?”
La Nghị đáp với sang: “Còn cách nơi này chưa đầy bốn mươi dặm!”
“Tiếp tục thám thính!” Vân Tương vừa dứt lời, La Nghị lập tức thúc
ngựa lao đi. Triệu Văn Hổ thấy vậy sực hiểu ra, nói: “Chẳng trách tối qua
không thấy La Nghị và mấy sư điệt đầu trọc của y, thì ra công tử lòng đã
sớm tính đến đả thảo vi một lần.”
“Đả thảo vi” vốn là cách gọi của người du mục chỉ việc đi săn mùa thu,
sau bị người Ngõa Thích dùng chỉ việc vào quan nội cướp bóc. Tân Quân
Doanh sau khi đi sâu vào lòng địch, cũng nhờ vào cách cướp bóc các bộ lạc
Ngõa Thích để giải quyết chuyện lương thảo, bởi vậy cũng gọi cách cướp
bóc các bộ lạc Ngõa Thích là “đả thảo vi”, nhưng xem truy binh Ngõa thích
là mục tiêu “đả thảo vi” thì đây là lần đầu.
Vân Tương mỉm cười gật đầu, vung tay ra lệnh: “Mọi người lùi vào
lùm cỏ chuẩn bị, nghe hiệu lệnh ta xuất kích.”