lên thuyền, ý đồ đột phá vòng vây. Các chiến thuyền bốn bề sắp cập bờ lăm
le đe dọa khiến giặc Oa không còn lòng quyết chiến, bị Tiễu Oa Doanh truy
sát khắp phía, cơ hồ không cả sức chống trả.
Giặc Oa tuy đông, nhưng ai có chủ nấy, không hoàn toàn do Đông
Hương chỉ huy, trong lúc nguy cấp chen lấn trước sau bỏ trốn, hoặc có kẻ
quyết chiến một mình, sức chiến đấu đã không còn như trước. Lúc này đội
thuyền của các môn phái giang hồ lục tục cập bờ, hảo hán trên thuyền nhanh
chóng gia nhập vào cuộc chiến truy sát giặc Oa. Những hán tử giang hồ tuy
không thể so bì sức chiến đấu với Tiễu Oa Doanh, nhưng lại người đông thế
mạnh, đánh một đòn trí mạng vào đám giặc. Đặc biệt Tô Minh Ngọc, Nam
Cung Giác và Tùng Phi Hổ dẫn theo mấy chục cao thủ bên mình, võ công
vượt xa những tên giặc Oa tầm thường, họ tung hoành ngang dọc trong đám
người, những kẻ cản đường chẳng khác cây đổ. Trận quyết đấu dần biến
thành cuộc đồ sát từ một phía, Đông Hương thấy thế lớn đã mất, đành dẫn
theo mấy tên tâm phúc mở con đường máu, cướp một thuyền nhỏ trốn ra
biển.
Vân Tương lặng lẽ đứng trên cao quan sát chiến trường, vẻ mặt trầm
tĩnh, tà áo xanh biếc bay phần phật theo gió như muốn phủi bụi trần. Thấy
đại cục đã định, gã bình thản gọi lính truyền lệnh: “Truyền lệnh ta, không
giết kẻ nộp vũ khí xin hàng!”
Một lát sau, tiếng hô lệnh “Không giết kẻ nộp vũ khí xin hàng” vang
lên tứ phía trên đảo. Giặc Oa cùng đường không thể thoát thân, cũng không
thể chống cự thi nhau bỏ đao đầu hàng. Chiến sự giữa máu và lửa, trí và
dũng dần lắng xuống.
Tiêu bá ở sau Vân Tương bội phục ca tụng: “Không ngờ công tử có thể
điều động cả võ lâm Giang Nam cùng đánh giặc Oa, thật không biết sao có
thể làm được chuyện này?”
Vân Tương cười nhạt đáp: “Đơn giản thôi, với người trọng tình trọng
nghĩa như Tô Minh Ngọc, ta dùng đến chữ tình; với người lý trí thông minh
như Nam Cung Giác, ta đả thông bằng lý, còn kẻ kiêu hùng trong hắc đạo
như Tùng Phi Hổ của Tào Bang, ta dụ y bằng lợi.”