lại không xảy ra. Đây là nguyên do khiến chúng ta bị Plato hóa, ưa chuộng
những giản đồ đã biết với kiến thức được hệ thống tốt - đến mức không còn
thấy thực tế nữa. Nó giải thích vì sao chúng ta rơi vào bài toán quy nạp, vì
sao chúng ta chứng thực. Nó giải thích vì sao những người “học tập nghiên
cứu” giỏi và đạt thành tích cao trong trường thường có xu hướng trở thành
kẻ ngốc của ngụy biện trò chơi.
Và nó giải thích vì sao chúng ta có nhiều hiện tượng Thiên Nga Đen mà
không bao giờ học tập từ sự xuất hiện của chúng, bởi những gì không xảy
ra thường được cho là quá trừu tượng. Nhờ Vardi, giờ đây tôi thuộc về
nhóm những người suy nghĩ đơn giản.
Chúng ta đều thích những gì hữu hình, chứng thực, có thể sờ mó được,
rõ ràng, cụ thể, sống động, mang tính xã hội, đã được ghi nhớ, chất đầy
cảm xúc, đáng chú ý, rập khuôn, chuyển động màu mè, cường điệu, hào
nhoáng mang tính hình thức, cách nói ba hoa ra vẻ uyên bác (khỉ thật!),
những nhà kinh tế học khoa trương thuộc trường phái toán học Gauss,
những thứ tầm phào đã được toán học hóa, sự phô trương, Viện hàn lâm
Pháp, Trường kinh doanh Harvard, giải Nobel, những bộ complê sậm màu
với áo sơ mi trắng và cà vạt Ferragamo, bài diễn văn cảm động và những gì
khủng khiếp. Suy cho cùng, chúng ta thích những gì được kể lại.
Than ôi, với phiên bản hiện tại của loài người, chúng ta không được lập
trình để hiểu những vấn đề trừu tượng - chúng ta cần một bối cảnh cụ thể.
Sự ngẫu nhiên và bất định đều trừu tượng. Chúng ta đánh giá cao những gì
đã xảy ra nhưng lại thờ ơ trước những cái lẽ ra đã xảy ra. Nói cách khác,
bản chất của chúng ta là nông cạn và hời hợt - nhưng chúng ta không nhận
ra điều này. Đây không phải là vấn đề thuộc về tâm lý học; nó xuất phát từ
thuộc tính chính của thông tin. Phần bị che khuất của mặt trăng rất khó
thấy; muốn thấy được nó, ta phải mất nhiều công sức. Tương tự, việc làm
sáng tỏ những gì chưa thấy đòi hỏi rất nhiều nỗ lực về tâm lý và khả năng
tính toán.
Khoảng cách giữa con người và loài linh trường