hành tinh này, mà chỉ quan sát dữ liệu và đưa ra giả định về quy trình thật
sự của nó, và “định cỡ” bằng cách điều chỉnh phương trình của mình theo
thông tin bổ sung. Khi các sự kiện tự xuất hiện trước chúng ta, chúng ta sẽ
so sánh những gì nhìn thấy với những gì được mong đợi nhìn thấy. Đó luôn
là một quy trình xoàng xĩnh, đặc biệt đối với những ai nhận thức được lối
liên tưởng ngụy biện, để phát hiện ra rằng lịch sử di chuyển về phía trước
chứ không phải ngược về sau. Người ta cho rằng các doanh nhân là những
người rất có tính tự trọng cao, nhưng khi nhắc đến sự khác biệt giữa quyết
định và kết quả, giữa các mô hình chính xác và thực tiễn, họ cũng dễ dàng
bị bẽ mặt.
Những gì tôi muốn nói là sự mờ đục, sự không hoàn chỉnh của thông tin,
sự vô hình của những gì tạo ra thế giới. Lịch sử không cho chúng ta nhìn
thấy suy nghĩ của nó - chúng ta cần phải đoán những gì bên trong nó.
Từ mô tả đến thực tế
Ý tưởng trên kết nối tất cả các phần của cuốn sách này. Trong khi nhiều
người nghiên cứu về tâm lý học, toán học hay thuyết tiến hóa và tìm cách
áp dụng vào kinh doanh thì tôi xin đề xuất điều hoàn toàn ngược lại: hãy
nghiên cứu tính bất định mạnh mẽ chưa được thể hiện trên thị trường như
một phương tiện để hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự ngẫu nhiên được
ứng dụng trong tâm lý học, xác suất, toán học, lý thuyết ra quyết định
(decision theory), và thậm chí vật lý thống kê. Bạn sẽ nhìn thấy được
những biểu hiện không trung thực của lối liên tưởng ngụy biện, ngụy biện
trò chơi, và những sai sót lớn của chủ quan kiến thức Plato từ cách mô tả
cho đến thực tế.
Lần đầu tiên khi gặp Mandelbrot, tôi đã hỏi ông vì sao một nhà khoa học
có uy tín như ông hẳn phải có nhiều thứ giá trị hơn để làm lại quan tâm đến
một chủ đề tầm thường như tài chính. Tôi cho rằng tài chính và kinh tế chỉ
là nơi người ta học hỏi từ các hiện tượng thực nghiệm và làm đầy tài khoản
ngân hàng của mình trước khi tính đến những việc tốt đẹp và to tát hơn.
Mandelbrot trả lời rằng “Dữ liệu, đó là một mỏ vàng dữ liệu”. Quả thực,