THIỀN SƯ VIỆT NAM - Trang 301

những người ở địa phương có dịp nghe được kinh điển, biết thêm lễ nghi Phật giáo, giúp
cho bá tánh phát tâm theo đạo Phật.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi đó, khoa Ứng phú còn có những bất lợi và

nguy hại khác:

Chư Tăng đến nhà Phật tử nhiều quá, giao thiệp với nhiều thành phần trong xã

hội, dễ bị tiêm nhiễm phàm tục; nếu không giữ giới luật nghiêm minh, chư Tăng có thể bị
tài, sắc, danh, lợi quyến rũ sa ngã, có thể làm mất phẩm cách, đạo hạnh của bậc tu hành
cầu giải thoát.

Trước những điều lợi và hại đó của khoa Ứng phú, Hòa thượng Hải Tịnh phân

vân, chưa biết có nên phổ biến hay hạn chế khoa Ứng phú.

Trong thời gian đó, khoa Ứng phú đã phát triển mạnh ở Lục tỉnh Nam Kỳ và các

tỉnh miền Trung. Hòa thượng Hải Tịnh nhận thấy rằng: khoa Ứng phú đang lan tràn khắp
nơi, từ thành thị đến thôn quê... không thể ngăn chặn được, vì vậy, phương cách tốt hơn
hết là tham gia vào phong trào Ứng phú đó để tìm cách hướng dẫn phong trào Ứng phú đi
theo đúng hướng trong giới luật đạo Phật, tránh bớt những hành động của chư Tăng bị
phàm tục lôi cuốn, làm mất phẩm cách, giới hạnh của tăng sĩ, ảnh hưởng không tốt cho
tiền đồ Phật giáo.

Vì vậy, vào khoảng năm 1850, Hòa thượng Hải Tịnh triệu tập một cuộc đại hội

của chư Tăng và các thầy theo khoa Ứng phú tại chùa Giác Lâm để phổ biến chủ trương
“bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa Ứng phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền”, đồng
thời Hòa thượng Hải Tịnh cũng đề nghị thành lập cơ sở học tập cho khoa Ứng phú để
thực hiện chủ trương đó. Chư Tăng và các thầy theo khoa Ứng phú tham dự cuộc hội đều
tán đồng ý kiến đó của Hòa thượng Hải Tịnh.

Ngay trong năm đó (1850), Hòa thượng Hải Tịnh cho trùng tu viện Quan Âm

thành chùa Giác Viên để dùng chùa này làm cơ sở học tập cho khoa Ứng phú.

Trong khi đó Hòa thượng Hải Tịnh vẫn phát triển việc giảng dạy cho chư Tăng ở

chùa Giác Lâm như Tổ Viên Quang đã thực hiện từ trước.

Chùa Giác Viên lúc đó trở thành trung tâm của khoa Ứng phú ở Lục tỉnh Nam

Kỳ, dần dần ảnh hưởng lan rộng khắp nơi. Tín đồ Phật giáo và dân chúng khắp Nam Kỳ
đều nghe danh của chư tăng Ứng phú ở chùa Giác Viên. Mỗi khi trong gia đình có tổ
chức cầu an, cầu siêu, trai tăng, bố thí... bổn đạo thường đến chùa Giác Viên làm lễ “Đại
Nạp” để cầu Tăng sĩ Ứng phú đến nhà làm lễ.

Năm 1852, ông Hương đăng (chưa rõ pháp danh) sáng lập và trông coi chùa Giác

Viên viên tịch, Hòa thượng Hải Tịnh cử đệ tử là Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa
Giác Viên.

Nhờ khoa Ứng phú chùa Giác Viên hưng thạnh, bổn đạo đến chùa ngày càng

đông, nhiều người đến xin qui y thọ giới, nhiều người đến chùa cúng dường làm công
quả..., kinh tế của chùa sung túc. Trong khi đó, chùa Giác Lâm ít có người lui tới, lại phải
đài thọ cho việc ăn học của Tăng sinh nên kinh tế gặp khó khăn. Hòa thượng Hải Tịnh
phải dung hòa tài chánh ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, thực hành thuyết lục hòa ở
hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, lấy tiền của dư thừa ở chùa Giác Viên bổ khuyết cho
chùa Giác Lâm.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.