Thiền sư HUỆ SINH
(? - 1063)
(Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Lâm tên Khu quê làng Đông Phù Liệt, dòng dõi Lâm Phú ở Trà Sơn, Vũ
An. Cha Sư tên Khoáng kết duyên với con gái nhà họ Quách, vì theo quê vợ nên lập
nghiệp ở làng Phù Liệt. Sư có hai anh em, người anh cả làm quan đến chức Thượng thơ
Binh bộ Viên ngoại lang và Sư.
Sư tướng mạo khôi ngô biện luận lưu loát, lại nổi tiếng văn hay, chữ tốt, vẽ khéo.
Ngoài giờ học Nho, Sư nghiên cứu sách Phật, chư kinh bách luận không bộ nào chẳng
qua mắt Sư. Mỗi khi luận đến chỗ cốt yếu của Phật pháp, Sư thường than thở rơi nước
mắt.
Năm mười chín tuổi, Sư xả tục xuất gia cùng sư Pháp Thông ở Hạc Lâm thờ
Thiền sư Định Huệ ở chùa Quang Hưng làm thầy. Từ đây, huyền học càng ngày càng
tiến. Định Huệ an ủi và ấn chứng cho Sư.
Sau đó, Sư lê gót khắp tùng lâm tham vấn đầy đủ yếu chỉ Thiền. Rồi trụ ở Trà
Sơn, ngọn núi Bồ-đề. Mỗi lần Sư vào Thiền định ít ra cũng năm ngày. Thời nhân gọi Sư
là nhục thân Đại sĩ.
Vua Lý Thái Tông (1028-1054) nghe danh Sư, sai sứ đến mời về kinh.
Sư bảo sứ rằng:
- Ông không thấy con vật đem tế lễ sao? Khi chưa tế thì người ta cho nó ăn cỏ
thơm, mặc áo gấm, đến khi dẫn vào Thái miếu thì chỉ xin một chút sống cũng không
được, huống là việc gì!
Nói xong, Sư từ chối không đi. Sau vì nhà vua cố ép bất đắc dĩ Sư phải đến cửa
khuyết. Sau khi đàm đạo với Sư, Vua rất kính phục, phong chức Nội cung Phụng tăng và
sắc Trụ trì tại chùa Vạn Tuế gần thành Thăng Long.
Một hôm, nhân lễ trai tăng trong Đại nội, Vua hỏi:
- Trẫm nghĩ nguồn tâm của Phật Tổ, học giả các nơi tranh cãi nhau mãi. Vậy xin
các bậc thượng đức ở đây, mỗi vị tự thuật chỗ thấy của mình, để trẫm rõ cách dụng tâm
của các Ngài thế nào?
Sư ứng thinh đọc kệ:
Pháp gốc như không pháp,
Chẳng có cũng chẳng không.
Nếu người biết pháp ấy,
Chúng sanh cùng Phật đồng.
Trăng Lăng-già vắng lặng,
Thuyền Bát-nhã rỗng không.
Biết không, không giác có,
Chánh định mặc thong dong.