VII.
Để dạy trẻ, thì không gì hiệu quả hơn là những câu chuyện. Qua đó trẻ có thể phát triển
trí nhớ, kích thích khả năng tưởng tượng, mở mang tri thức. Nếu đưa cho trẻ một vật thể và
bảo trẻ ghi nhớ thì sẽ rất khó vào, nhưng nếu kể cho trẻ nghe một câu chuyện về vật thể đó thì
trẻ sẽ rất vui vẻ lắng nghe va tự nhiên sẽ nhớ. Từ khi Winifred chưa biết nói, tôi đã kể cho
con nghe rất nhiều truyện thần thoại Bắc Âu, Hi Lạp, Rô ma. Khi con biết nói rồi, 2 mẹ con
lại cùng nhau diễn lại. Mục đích của truyện thần thoại là để sau này con có hứng thú với thiên
văn và điêu khắc, đồng thời khi nghiên cứu về văn học cũng sẽ dễ dàng hơn. Tôi cũng kể cho
con nghe nhiều về kinh thánh, và sau đó chúng tôi lại cùng nhau đóng kịch.
Tôi còn nhận thấy rằng để nếu sự vật sự việc được ghi lại dưới hình thức văn vần thì sẽ rất dễ
thuộc, dễ nhớ, vì thế tôi đã áp dụng để dạy con từ khi còn nhỏ. Sau này Winifred cũng tự
mình viết được khá nhiều những bài văn vần, một phần trong số đó gần đây được xuất bản
thành tập có tên Facts in Jingles.
Đối với môn lịch sử, chúng tôi cũng đọc và sau đó tự diễn lại. Tôi nghĩ rằng nếu ở
trường học mà làm được như vậy thì trẻ sẽ nhớ rất lâu. Ta cũng không cần mất quá nhiều thời
gian, mỗi ngày chỉ làm một chút là được. Nhưng cứ nhìn vào phương pháp dạy môn lịch sử
hiện nay thì các em không có hứng thú là đương nhiên.
Năm lên 8 tuổi Winifred được cha làm cho một bộ xương để học về sinh lý. Trong thời
gian cha đi du lịch, Winifred tự viết các bài văn vần về xương, cơ, nội tạng, sau đó đã dễ
dàng thuộc hết, khi cha trở về rất ngạc nhiên và vui mừng. Liên quan đến môn sinh lý học,
Winifred còn nghiên cứu về cả vệ sinh và rất tâm đắc với những vấn đề liên quan đến thực
phẩm và khả năng gây bệnh.
Mong muốn của tôi trong việc giáo dục con, bồi dưỡng tri thức cho con, là phải làm sao
để con trở thành người có ích, chứ không muốn con lớn lên giống như nhiều người trên thế
giới, đọc hàng ngàn vạn cuốn sách, biết rất nhiều thứ nhưng lại chẳng giúp gì cho bản thân và
xã hội.
VIII.