niên, hạnh phúc chính là tiếng ngây thơ con trẻ: “Bố, câu chuyện bố kể thật
là hay!”, hạnh phúc chính là tiếng người vợ ngọt ngào: “Anh yêu, hôm nay
bữa tối có món sườn xào chua ngọt anh thích đấy”.
Những thứ đó có lẽ A Lam và Lý san cũng đã được thể nghiệm rồi.
Tôi ngồi trên chuyến tàu về Tế Nam, bỗng thấy lòng nhẹ nhàng và trong
như nước.
Mấy năm trời phiêu bạt ở Thượng Hải cũng giống như một bài học cuộc
đời.
Năm ấy tôi vừa đúng 30 tuổi, có một cậu con trai xa lạ. Tôi vừa đúng 30
tuổi, chuẩn bị làm một vài điều gì đó cho cậu con trai, ví dụ như làm cho nó
quen với việc có bố ở bên, dạy nó viết trong bài văn: “Tôi có một người cha
xuất sắc và một tuổi thơ hạnh phúc vô cùng”.
Còn về quãng thời gian phiêu dạt, thỉnh thoảng mon men tí chút ái tình ở
Thượng Hải, tôi sẽ coi đó như những vết tích lưu lại trong lòng suốt cuộc
đời, mỗi lần nhớ về sẽ đau một chút. Buổi tối một mình đi vào giấc ngủ, tôi
sẽ nhìn ngắm cái vết tích đó một lát, hồi tưởng những chuyện đã qua, xem
mình giữ lại được những gì, ví dụ như là những mùi vị, ví dụ như vẻ đẹp
mong manh có cũng như không, ví dụ như những cô gái đã đi qua trong
cuộc đời, nhất là cô gái cầm chiếc chìa khóa tôi đưa, nghịch ngợm nheo
mắt nhìn tôi qua lỗ xâu hình hạt đào trông rất đáng yêu.
Tàu dừng lại ở ga quê nhà. Bước ra sân ga, tôi thấy ngay bố mẹ già và con
trai tôi – ba người đang nhịp nhịp chân đứng đợi.
Hân Hân nhìn thấy tôi đầu tiên, nó ra sức vẫy vẫy bàn tay bé nhỏ, miệng
hét:
- Bố, bố! Cả nhà ở đây!
Miệng gào, tay thằng bé nắm chặt chiếc xe tăng, vẫn là chiếc xe tăng cũ kĩ
rỉ sét hồi trước. Xem ra nó cũng là đứa hoài cổ. Cái đặc điểm này hay đấy!
Thằng bé chạy đến bên tôi, tôi liền quỳ xuống, dang hai tay ôm chầm nó
vào lòng.
- Bố…
Thằng bé nhào đến, va vào người tôi rõ đau. Dưới sự chăm sóc ân cần của
bố mẹ tôi, có vẻ thằng nhóc đã cứng cáp hơn chút ít.