Mỗi dãy hành lang đều rất sống dộng. Các nhà khoa học trông thấy Kohler đều
tỏ vẻ ngạc nhiên, đưa mắt nhìn Langdon như muốn hỏi anh ta phải là người thế
nào thì mới được ưu ái đến vậy.
- Tôi rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng, - Langdon đánh bạo lên tiếng, cố gắng
bắt chuyện. - Tôi chưa bao giờ nghe nói đến CERN cả.
- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, - Kohler đáp, câu trả lời gấp gáp của ông ta nghe
có vẻ cay nghiệt - Đa số người Mỹ không xem châu Âu là cái nôi của những
nghiên cứu khoa học. Họ chỉ coi chứng tôi là một khu vực buôn bán kỳ dị - một
quan niệm kỳ quặc nếu ông nhìn lại quốc tịch của những người như Anhxtanh,
Galieo hay Newton.
Langdon không biết phải trả lời ra sao. Anh lôi tờ fax từ trong túi áo ra.
- Người đàn ông trong tờ fax này, ông có thể…
Kohler vẫy tay ngắt lời anh:
- Thôi nào. Không phải ở đây. Tôi sẽ đưa ông đến chỗ ông ta ngay bây giờ. -
Ông ta chìa tay ra - Có lẽ tôi nên lấy lại cái đó.
Langdon đưa cho ông ta tờ fax và im lặng bước theo.
Kohler đột ngột rẽ trái rồi đi vào một sảnh rộng treo đầy bằng khen và huy
chương. Một tấm biển lớn chắn ngay lối vào.
Langdon chậm rãi đọc hàng chữ được khắc bằng đồng trên đó.
GIẢI THƯỞNG ARS ELECTRONICA
Vì những sáng tạo văn hoá trong thời kỳ kỹ thuật số
Trao cho Tim Berners Lee và CERN vì phát minh ra
MẠNG THÔNG TIN TOÀN CẦU
Ồ mình thật tệ, Langdon nghĩ thầm khi đọc những dòng chữ này. Ông ta không
đùa tí nào. Anh cứ tưởng rằng người Mỹ phát minh ra Web. Và vốn kiến thức
của anh cũng chỉ giới hạn ở mấy trang web tải cuốn sách của anh hay thỉnh
thoảng anh lên mạng tìm tài liệu về Bảo tàng Louvre hay El Prado bằng cái máy
Macintosh cổ lỗ sĩ của mình.
- Mạng toàn cầu, - Kohler vừa nói vừa ho và lau miệng - Ban đầu, đây là một
mạng kết nối các máy tính nội bộ. Nó cho phép các nhà khoa học từ nhiều bộ
phận khác nhau chia sẻ những phát kiến của họ hàng ngày. Đương nhiên, cả thế
giới đều cho rằng Web là công nghệ của Hoa Kỳ.
Langdon vẫn bước dọc hành lang.