tả mang ra một cái túi xác rắn đựng đầy gạo, rồi vào bếp xách ra một cái
lồng nhốt chú gà sống thiến có bộ lông đỏ rực như lửa.
Anh Cu Bưởi xua tay:
- Thôi, dẹp. Không phải phiền đến bác Kim. Dịch vụ nhà trọ ở Hà Nội
giờ tiện lắm. Cùng lắm hai bố con cũng chỉ hết năm mười nghìn một ngày.
Nhờ vả làm gì để phải mang ơn.
- Ơ cái ông này, vừa ngang vừa hâm. Bác Kim là con ông bác ruột tôi. Đi
lại cho nó thân tình ruột thịt, chứ phiền hà gì?
Anh Cu Bưởi làm ngơ, rít thuốc lào đến hõm má rồi thở khói cuồn cuộn
lên mãi trần nhà. Dân Hà Nội, ông còn lạ gì. Có tí tiền là khinh người như
mẻ. Mình ra chơi, mang gà, gạo, đỗ, lạc ra hẳn hoi, mà quá cái thằng đi xin
ăn. Cái ông Kim còn đỡ, chứ cái bà vợ thì thật quá đáng, lúc nào cũng sợ
bẩn nhà, sợ dân nhà quê ra xin xỏ cái gì đó. Bực nhất là cứ ngồi xuống
mâm là mụ ấy ánh ỏi: “Nhà quê các chú ăn bẩn mà chẳng thấy bệnh tật gì,
lạ thật”. “Chú bảo cô ấy lần sau có ra chơi, đừng có mang gạo đỗ gì cho
rách việc. Bốn nghìn bạc một cân gạo tám thơm mang đến tận nhà, thiếu
gì”. Nhiều lúc nuốt miếng cơm mà nghẹn ngang cổ họng.
Đã nói là làm, anh Cu Bưởi bảo vợ thả gà, cất gạo, nhất định không thèm
nhờ vả nhà bác Kim. Hai bố con xếp xe đạp lên nóc xe khách, rồi từ bến xe
Hà Đông, lai nhau trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng ra Hà Nội, tìm đến
trường thi.
Hoá ra dân nhà quê cơ man nào là các bậc cha mẹ cũng đưa con đi thi.
Địa điểm thi của con Chanh là trường tiểu học Mùa Xuân, cách Trường đại
học Luật hai dãy phố. Ở đó, để tạo điều kiện cho thí sinh các tỉnh xa về,
nhà trường đã bố trí một số lớp học làm nơi ở trọ với giá rẻ bất ngờ. Năm
mươi ngàn đồng, một người, một ngày. Ghép các bàn học sinh lại thành
phản. Một lớp học có thể ở được hai chục người. Quạt trần, đèn điện chạy
suốt đêm. Nước giếng khoan xả láng. Chỉ thiếu chiếu và màn. Nhưng
không sao, mở quạt hết số, đắp tấm áo qua mặt, ngáy một mạch đến sáng là
muỗi cũng phải chào thua.