phong thời Minh Mạng và Tự Đức, giấy sắc phong vẫn còn lưu giữ ở nhà
thờ họ. Vậy mà cái cô em gái y, tiếng là được nuôi dạy tử tế, con nhà nề
nếp gia giáo, bỗng đốc chứng thành mụ nặc nô. Mà cái thằng giáo Giới
cũng hèn. Bị vợ đánh, không trị được thì câm mẹ cái mồm đi, lại dở cái thói
sỹ dởm hét toáng lên, quá “lạy ông tôi ở bụi này”. Rõ trò hề. Vừa hèn vừa
hề. Thy sĩ cái cục cứt. Bọn thanh niên xã gọi nhại là thi sĩ Chi Dưới cũng
đáng đời.
Giận em gái, xấu hổ thay cho em rể, một chiều nọ. Đĩ Chu sai vợ thịt con
vịt què, một mình y làm hết một chai sáu nhăm, rồi y sai con gọi cô Chi đến
cho y hỏi tội.
Đúng là tửu nhập, ngôn xuất. Mặc dù cài then cổng, đóng chặt cửa nhà
trên, mà tiếng y vẫn âm vang, thao thao bất tuyệt khiến bọn người ngôi lê
đôi mách trong làng lũ lượt rủ nhau đến nghe trộm.
- Cô với chú Giới không đơn thuần chỉ là hai con người, hai đứa đực cái
- Đĩ Chu hắng giọng mở đầu bài giáo huấn - Tôi nhắc lại, không phải chỉ
đơn thuần đực cái mà là vợ là chồng. Các cụ ngày xưa nói: “đạo vợ chồng”,
chứ không nói “cái trò vợ chồng”. Mà đã nâng lên đến hàng “đạo” tức là
thiêng liêng lắm rồi. Người vợ từ xưa luôn phải theo đạo “tứ đức, tam
tòng”. Tứ đức là công- dung- ngôn - hạnh. Tam tòng là tòng phụ, tòng phu,
tòng tử. Ở nhà phục tùng cha, xuất giá phục tùng chồng, chồng chết phục
tùng con. Theo đó mà suy, người đàn ông từ xưa đã là rường cột gia đình.
Thế nên mới lại có câu: “Một trăm đứa con gái, không bằng hòn dái thằng
con trai”. Chú Giới có đần đụt, cũng là chồng cô. Cô phải “tòng” chú ấy,
chứ không có quyền cưỡi lên người chú ấy. Nói cho cô biết nhé. Thằng anh
cô không bao giờ hồ đồ. Phải đích mục sở thị thì anh mới nói. Cái tối,
chính mắt mình nhìn thấy em gái mình trèo lên bụng chồng, anh đau xót
quá, xấu hổ quá…
Đến đây, giọng Đĩ Chu bỗng ngạt đi. Và thật lạ, y khóc. Nước mắt giàn
giụa trên gương mặt gồ ghề nứt nẻ của y. Những giọt nước có sức lây lan,
khiến Chi cũng không cầm lòng nổi. Chi khóc ti tỉ, hệt như cái cô bé Chi
ngày xưa, hồi tám, chín tuổi, bị anh Chu mắng, oan mà không dám cãi.