- Yến ca đối với Cát tỷ tỷ thật có lỗi, chúng ta hãy đem tỷ tỷ về núi
xây chí mộ cho nàng.
Rồi không đợi ai trả lời, nàng phi thân đi mất. Ưu Đàm lão ni cũng vội
vàng phi thân theo. Lạc Hồng Châu ngẩn ngơ nhìn theo, có lẽ giao tình
giữa Yến Lăng Vân và Lăng Vân Yến có gì phức tạp nên nàng ta mới đột
ngột bỏ đi như thế? Lạc Hồng Châu ngơ ngần ở đó hồi lâu mới nhớ tới dải
lụa, nàng giơ lên đọc:
“Yến lang! Tỷ tỷ bị yêu bà Cổ Hoàng sát thương, xin chàng đừng mạo
hiểm báo thù. Ba cô nương Lăng Vân Yến, Bạch Phụng Tiên và Khuyết
Hàn Hương đều là người tốt có nghĩa trọng tình thâm, xin đừng phụ bạc họ.
Chỉ có Phi Quỳnh là bạc phúc không được sống gần chàng, xin hãy cố giữ
hương khói cho tỷ tỷ, như thế tỷ tỷ có thể ngậm cười được rồi. Xin đừng
buồn thương đau khổ vì ta nhé, và hãy bảo trọng lấy thân. Quỳnh tỷ của
chàng.”
Mấy lời di ngôn hoà lệ và máu ấy, tuy chữ viết nghiêng ngả nhưng là
những lời dặn dò đầy tình nghĩa khiến người đọc không sao cầm được nước
mắt. Nhất là người có tấm lòng đại lượng như nàng, khi sắp chết còn nhớ
khuyên người yêu của mình chớ phụ bạc ba cô nương đồng bạn kia. Lạc
Hồng Châu vừa đọc vừa khóc vì tình cảm bi thiết của cô nương họ Cát mà
nàng không hề quan biết.
Bấy giờ Gia Cát Huyền đã tự trị thương thế xong, lão bước đến gần
Lạc Hồng Châu cung thân:
- Gia Cát Huyền tham bái cung chủ, xin cảm tạ ân đức cứu mạng.
Lạc Hồng Châu vội cất dải lụa vào áo, khẽ đáp:
- Bất tất, lão hãy kể rõ cho ta biết về Yến tướng công được chăng?
Thực ra nàng vốn có thành kiến với Huyền Âm phái nên thái độ không
lấy gì làm vồn vã với Gia Cát Huyền, còn Gia Cát Huyền mới phát hiện ra
Cửu Cung Sơn mới là nguồn gốc chính thống của sư môn lại có ý quay về
vì chính Lạc Hồng Châu mới là hậu duệ đích tôn của Thái Âm chân nhân,
vì vậy danh chính ngôn thuận nàng chính là chủ nhân của lão. Lão bèn
cung kính đem thân thế và quá trình của Yến Lăng Vân ra nhất nhất trần
thuật. Cuối cùng, lão kết luận: