có thể gây ra cho con người. Chính vì thế mà chẳng có gì ngạc nhiên khi
cậu trở thành tín đồ của Thiên Chúa giáo trong suốt thời gian học việc.
SỰ THAY ĐỔI TÂM HỒN
Năm 1849, Booth chuyển đến London và làm việc trong một cửa hiệu
cầm đồ tại một vùng nghèo nàn trên bờ Bắc sông Thames. Nhưng chỉ ba
năm sau, cậu đã bỏ nghề và trở thành một giáo sĩ Cơ đốc. Cậu thanh niên
Booth nhận ra lòng tin chính là giải pháp cho những con người đang phải
đấu tranh để tồn tại. Anh quyết định dấn thân vào một nhiệm vụ suốt đời
với hai mục tiêu chính là: Cứu rỗi những linh hồn lầm lạc và đấu tranh cho
sự bình đẳng của xã hội.
Lúc đầu anh trở thành một mục sư của Hội Giáo lý, sau đó trở thành một
nhà truyền giáo. Năm 1865, khi một số người trong vùng nghe Booth giảng
đạo tại Quán rượu của những kẻ hành khất mù nằm ở phía Đông London,
họ đã tuyển anh vào làm trong một trại giáo sĩ được gọi là Sứ Mệnh Thiên
Chúa.
Ở đó, Booth có thể chăm nom những kẻ khốn khó nhất ở London. Nơi
đây tập trung đến một nửa số người nghèo khó, vô gia cư và chết đói ở
London. Những người cải đạo đầu tiên của ông là những người tuyệt vọng
nhất trong xã hội gồm: những kẻ đầu trộm đuôi cướp, gái điếm, cờ bạc và
bợm rượu. Ông luôn cố gắng tạo nên một điều gì đó khác biệt trong cuộc
sống của họ, nhưng nỗ lực của ông không được nhìn nhận xứng đáng, ngay
cả từ những người được ông giúp đỡ.
Booth và những người đồng nghiệp của mình bị quấy rối rất nhiều và họ
trở nên hung dữ. Các chủ quán rượu địa phương liên kết với nhau và cố
gắng để hủy hoại những cố gắng của ông. Ngay cả những đứa trẻ lang
thang cũng ném đá và pháo vào cửa sổ phòng họp của họ. Vợ Booth,
Catherine, kể lại: “Ông ấy thường bổ nhào vào nhà trong tình trạng hốc hác
vì mệt mỏi, quần áo tơi tả và nhuốm máu, trên đầu ông quấn đầy băng để
che đi vết thương do bị đá đập vào.” Dù vậy, Booth không làm bất cứ điều
gì để trả đũa lại. Và ông cũng không từ bỏ công việc của mình.