Câu 4: Mệnh đề sau “rằng” dùng cùng một cấu trúc - “nàng đã...”.
Câu 5: Mệnh đề phụ bắt đầu bằng “nếu” được lặp lại. Phương thức này đặc
biệt thuận tiện khi kết luận của bạn dựa trên nhiều điều kiện, tức nhiều
“nếu”.
Câu 6: Đây là ví dụ của loại câu cân xứng. Hai mệnh đề đều dùng cụm “hứa
làm gì cho ai đó” (được lược bỏ ở vế thứ hai) và hai cụm “một chuyện”,
“chuyện khác” giúp cho chúng cân xứng với nhau như hai cán cân ở mỗi
bên dấu chấm phẩy. Vì cả hai mệnh đề đều bàn về sự khả tín cho nên không
cần phải nhắc lại đầy đủ mệnh đề 1 nữa. Trên thực tế, sự ngắn gọn của mệnh
đề 2 lại giúp tăng sức nặng cho câu.
Cân xứng luôn đi đôi với cân phân. Khi các phần của câu cân xứng và đối
trọng nhau - mệnh đề cân xứng với mệnh đề, cụm từ với cụm từ, ý với ý -
câu văn càng thêm mạnh mẽ.
Những ví dụ trên chỉ nằm trong số vô vàn các dạng cân phân trong tiếng
Việt. Càng luyện tập nhiều, bạn càng khám phá ra nhiều cách. Chẳng hạn, có
thể biến tấu câu 5 thành:
Nếu chúng ta muốn tồn tại, nếu chúng ta thực sự coi trọng sự sống, chúng ta
phải chấm dứt cuộc đua vũ khí hạt nhân, và chúng ta phải chấm dứt nó ngay
bây giờ.
Câu đối, thơ thất ngôn và văn biền ngẫu (văn tế, hịch, phú,...) chính là những
minh họa mẫu mực về đối xứng câu, đoạn, và đôi khi cả đối xứng trong đối
xứng. Trong tiếng Việt, câu đối là một dạng cân phân đặc biệt, tinh tế và
khắt khe, đòi hòi sự am tường sâu sắc và khả năng sử dụng ngôn ngữ nhuần
nhuyễn. Câu đối gồm hai vế, số lượng từ trong mỗi vế luôn giống hệt nhau.
Chúng đối nhau qua từng yếu tố như danh từ với danh từ, động từ với động
từ, cụm từ với cụm từ, từ thuần Việt với từ thuần Việt, từ Hán Việt với từ
Hán Việt,...